1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine phản hồi đề xuất hòa bình 12 điểm của Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Cố vấn của Tổng thống Ukraine cho rằng kế hoạch hòa bình do Trung Quốc đưa ra nhằm giải quyết cuộc xung đột hiện nay là "phi thực tế".

Ukraine phản hồi đề xuất hòa bình 12 điểm của Trung Quốc - 1

Cố vấn của Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak (Ảnh: AFP).

"Nếu họ tuyên bố họ là một nhân tố quan trọng toàn cầu, họ sẽ không đưa ra một kế hoạch phi thực tế như vậy. Họ sẽ không đặt cược vào một bên gây hấn đã vi phạm luật pháp quốc tế và sẽ thua cuộc. Như vậy là không nhìn xa trông rộng. Trung Quốc, "cửa sổ cơ hội" không phải là vô tận", ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, viết trên Twitter hôm 25/2.

Bình luận của ông Podolyak, nhà đàm phán hàng đầu của Ukraine, được đưa ra sau khi Trung Quốc công bố đề xuất hòa bình gồm 12 điểm vào dịp tròn một năm xung đột Nga - Ukraine. 

Đề xuất của Trung Quốc gồm các điểm: (1) Tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia; (2) Từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh; (3) Ngừng các hành động thù địch; (4) Nối lại hòa đàm; (5) Giải quyết khủng hoảng nhân đạo; (6) Bảo vệ dân thường và tù binh chiến tranh; (7) Duy trì an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân; (8) Giảm các rủi ro chiến lược; (9) Tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc; (10) Ngừng các lệnh trừng phạt đơn phương; (11) Giữ ổn định chuỗi cung ứng và công nghiệp; (12) Thúc đẩy tái thiết hậu xung đột.

Đề xuất hòa bình của Trung Quốc nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ cả Ukraine và phương Tây.

Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine "sẽ làm việc với Trung Quốc" nếu nước này thể hiện sự tôn trọng luật pháp quốc tế và toàn vẹn lãnh thổ. Tổng thống Ukraine cũng nói rằng ông muốn tổ chức một cuộc gặp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc Jorge Toledo cho rằng, đề xuất do Trung Quốc đưa ra không phải một đề xuất hòa bình, nhưng EU sẽ xem xét kỹ lưỡng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng bác bỏ đề xuất hòa bình của Trung Quốc vì theo ông, đề xuất này chỉ mang lại lợi thế cho Nga. "Tôi thấy đề xuất của Trung Quốc không có lợi cho bất kỳ bên nào khác, ngoài Nga, nếu nó được thực thi", Tổng thống Mỹ nói.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng, Bắc Kinh phải giúp các nước phương Tây gây áp lực lên Nga, khi ông thông báo về chuyến công du tới Trung Quốc vào tháng 4. "Trung Quốc cần giúp chúng tôi gây áp lực lên Nga để đảm bảo nước này không bao giờ sử dụng vũ khí hóa học hoặc vũ khí hạt nhân, đồng thời ngăn chặn hành vi gây hấn trước khi đàm phán", ông Macron nói.

"Mọi thứ hướng tới hòa bình đều tốt, nhưng hòa bình chỉ có thể đạt được nếu Nga chấm dứt hành động gây hấn, rút quân và bắt đầu tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Ukraine, vì vậy Ukraine phải đưa ra các điều khoản của mình, nhưng tôi nghĩ việc Trung Quốc đang tham gia vào nỗ lực hòa bình là điều tốt", Tổng thống Pháp nhấn mạnh.

Trung Quốc gần đây nỗ lực thể hiện vai trò trung gian hòa giải cho cuộc xung đột Nga - Ukraine. Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị đầu tuần này bắt đầu chuyến công du đến Nga và có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Mục đích của chuyến đi nhằm tăng cường vai trò của Bắc Kinh trong việc giải quyết xung đột.

Theo Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine