1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine nói Nga lộ lỗ hổng phòng không trong vụ UAV tập kích Moscow

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ukraine cho rằng vụ UAV tấn công vào thủ đô Moscow cho thấy Nga có lỗ hổng trong hệ thống phòng không.

Ukraine nói Nga lộ lỗ hổng phòng không trong vụ UAV tập kích Moscow - 1

Hệ thống phòng không Pantsir-S1 của Nga (Ảnh: Tass).

Yuriy Ihnat, người phát ngôn lực lượng không quân Ukraine, ngày 24/7 cho rằng vụ máy bay không người lái (UAV) tấn công Moscow vào cùng ngày cho thấy một lỗ hổng trong hệ thống phòng không của Nga.

Trong ngày 24/7, Nga chứng kiến các cuộc tập kích UAV cả vào Crimea và trung tâm thủ đô Moscow. Moscow cáo buộc Ukraine đứng sau các vụ việc.

Quân đội Ukraine chưa bình luận về cáo buộc trên. Tuy nhiên, ông Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng Chuyển đổi Kỹ thuật số của Ukraine, dường như thừa nhận trách nhiệm của Kiev trong hai vụ tập kích trên.

"Các UAV đã tập kích thủ đô của đối phương và bán đảo Crimea đêm qua. Hệ thống phòng không và tác chiến điện tử của đối phương đang tỏ ra kém hiệu quả trong việc bảo vệ vùng trời", ông Fedorov viết trên Telegram, cảnh báo "chắc chắn sẽ có thêm những vụ tập kích tương tự". 

Trong vụ UAV tập kích Moscow, một chiếc đã nhằm vào khu vực gần trụ sở Bộ Quốc phòng Nga. Một nguồn tin của lực lượng ứng phó khẩn cấp tiết lộ rằng, một số mảnh vỡ của UAV đã được tìm thấy trên đại lộ Komsomolsky ở trung tâm Moscow, cách không xa trụ sở chính của Bộ Quốc phòng Nga.

Theo ông Ihnat, trong vụ tấn công, hệ thống phòng không Pantsir đặt trên nóc tòa nhà Bộ Quốc phòng Nga đã không bắn hạ được UAV tấn công mục tiêu cách đó khoảng 300m.

Ông giải thích rằng các hệ thống Pantsir có khả năng phá hủy mục tiêu bay phía trên tổ hợp ở một mức nhất định, không thể bắn mục tiêu bay phía dưới lá chắn. Quan chức Ukraine nhận định đây dường như là lỗ hổng trong hệ thống phòng của Nga ở trung tâm Moscow.

Ông cũng đặt câu hỏi về lý do Nga đặt Pantsir trên nóc tòa nhà vì tổ hợp này vốn được chế tạo để bắn hướng lên phía trên, nên nó không thể hướng xuống dưới để bắn UAV bay thấp hơn.

"Đặt lá chắn này trên nóc tòa nhà khiến nó không bắn rơi được UAV. Tổ hợp phòng không được chế tạo để bắn hướng lên. Đó là lý do quyết định (đưa Pantsir lên nóc tòa nhà) khá kỳ lạ", ông nói.

Ukraine nói Nga lộ lỗ hổng phòng không trong vụ UAV tập kích Moscow - 2

Vật thể giống với tổ hợp tên lửa phòng không Pantsir-S1 được đặt trên nóc tòa nhà trụ sở Bộ Quốc phòng Nga hồi tháng 1 (Ảnh: mil.in.ua).

Nga chưa bình luận về nhận định của quan chức Ukraine. Tuy nhiên, Nga không chỉ có các hệ thống phòng không đảm nhận nhiệm vụ phòng thủ ở Moscow. Trong vụ UAV tấn công hôm qua, Nga đã sử dụng hệ thống tác chiến điện tử để đánh chặn mối đe dọa.

Trên thực tế, vũ khí tác chiến điện tử (EW) có thể có hiệu quả đánh chặn tương đối hiệu quả với các mục tiêu bay tầm thấp như UAV. Hồi tháng 5, Viện RUSI (Anh) công bố báo cáo cho biết, vũ khí EW của Nga dường như đang gây ra thiệt hại đáng kể cho dàn UAV của Ukraine mà không cần phải sử dụng tới bất cứ một viên đạn nào.

Theo thống kê của RUSI, tính tới thời điểm thống kê, các hệ thống EW của Nga hoạt động tương đối ổn định, được cho đã đánh chặn 10.000 UAV đối phương mỗi tháng, tương đương 333 chiếc mỗi ngày.

Pantsir-S1 được thiết kế để phát hiện và tiêu diệt mọi mục tiêu trên không như máy bay, trực thăng, bom dẫn đường hay tên lửa đạn đạo bay ở độ cao từ 5m đến 15km trong phạm vi từ 200m đến 20km trong vòng 5 giây.

Hệ thống Pantsir S1 bao gồm 12 tên lửa dẫn đường bằng sóng vô tuyến, 2 pháo tự động 2A38 30mm bắn nhanh, các cảm biến quang điện và radar. Tổ hợp phòng không Pantsir-S1 thường được sử dụng để bảo vệ các khu vực mục tiêu trọng yếu, các điểm dân cư và quân sự.

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine