1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Ukraine giải thích lý do không muốn đàm phán với Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nhà ngoại giao hàng đầu Ukraine chỉ trích những lời kêu gọi Kiev nên ngồi xuống bàn đàm phán với Nga sau khi chiến dịch phản công của Ukraine không như kỳ vọng.

Ngoai-truong-Ukraine_AFP

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (Ảnh: AFP).

"Những người cho rằng Ukraine nên đàm phán với Nga hoặc là thiếu hiểu biết hoặc đã bị lừa dối", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày 9/11 cho biết trên mạng xã hội.

Tuyên bố của ông Kuleba được đưa ra sau khi có những thông tin từ truyền thông Mỹ nói rằng các đồng minh của Ukraine dường như đã và đang thúc giục Kiev đàm phán với Nga do cuộc phản công của họ không đạt được kỳ vọng.

Sau gần 21 tháng chiến sự nổ ra, tiền tuyến giữa Nga và Ukraine gần như không thay đổi quá nhiều kể từ cuối năm ngoái.

Theo ông Kuleba, những ý kiến kêu gọi Ukraine đàm phán có thể là những bên "về cùng phe với Nga" và muốn Moscow tạm dừng để chuẩn bị cho một cuộc tấn công "thậm chí còn lớn hơn nữa" nhằm về phía Kiev.

Ông Kuleba cho biết, Ukraine đã tổ chức 200 vòng đàm phán và có 20 lệnh ngừng bắn với phía Moscow kể từ năm 2014 sau khi lực lượng ly khai thân Nga nổi dậy ở Donbass và Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Các cuộc đàm phán do Đức và Pháp làm trung gian và dẫn đến cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Paris vào năm 2019, đã không mang lại hòa bình lâu dài.

Ông Kuleba nói rằng không cuộc đàm phán nào đã ngăn được Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào đầu năm ngoái.

Trong giai đoạn đầu cuộc xung đột, 2 bên cũng đã đàm phán nhưng hoạt động này đã đình trệ hơn một năm qua do 2 nước đặt ra những điều kiện tiên quyết quá khác biệt.

Trong khi đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 8/11 nói rằng, Ukraine và Mỹ cần phải hiểu rằng sẽ không thể đánh bại Nga trên chiến trường và các cuộc đàm phán là rất cần thiết. Ông Peskov nhấn mạnh, Nga đã sẵn sàng để bắt đầu việc trao đổi.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố Moscow không né tránh việc xem xét các đề xuất nhằm hạ nhiệt cuộc xung đột với Ukraine, nhưng cho rằng: "Nếu nói về đàm phán, hãy để ông Zelensky hủy bỏ sắc lệnh mà ông ấy đã ký một năm trước, trong đó cấm ông ấy và tất cả các quan chức cấp dưới tham gia đàm phán với Nga".

Tháng 10/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký sắc lệnh không đàm phán với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin. Moscow nhiều lần cáo buộc sắc lệnh này đã cản trở hòa đàm giữa Nga và Ukraine, đồng thời cho rằng những điều kiện mà Kiev đưa ra "không thực tế".

Moscow nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Ukraine phải thừa nhận "thực tế mới về lãnh thổ".

Thực tế mới mà Moscow đề cập đến là việc các vùng lãnh thổ gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk sáp nhập vào Nga hồi tháng 10 năm ngoái và bán đảo Crimea sáp nhập năm 2014 sau các cuộc trưng cầu dân ý.

Trong khi đó, giới chức Ukraine tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm Crimea. Ngoài ra, Ukraine muốn mọi cuộc đàm phán hòa bình phải dựa trên cơ sở "công thức hòa bình" gồm 10 điểm mà Tổng thống Zelensky đưa ra cuối năm ngoái.

Theo SCMP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm