1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine gặp khó khi "ăn miếng, trả miếng" Nga bằng bom thông minh

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ukraine tìm cách ném bom thông minh do phương Tây sản xuất để đáp trả Nga thả bom lượn xuống tiền tuyến với cường độ cao nhưng Kiev gặp phải thách thức rất lớn từ Moscow.

Ukraine gặp khó khi ăn miếng, trả miếng Nga bằng bom thông minh - 1

Bom GLSDB (Ảnh: Saab).

Reuters dẫn 3 nguồn thạo tin cho biết, thiết bị tác chiến điện tử của Nga đã ngăn chặn tương đối hiệu quả các quả bom dẫn đường thông minh của Ukraine tấn công vào mục tiêu đã định.

Trong thời gian qua, Ukraine đã tăng cường sử dụng bom GLSDB do Mỹ cung cấp nhằm mục tiêu làm gián đoạn tuyến hậu cần và điểm tập kết của Nga chi viện cho tiền tuyến.

Đây cũng là nỗ lực "ăn miếng, trả miếng" của Ukraine trước Nga khi Moscow đã liên tục trút các quả bom thông minh chứa hàng trăm km thuốc nổ xuống mục tiêu của Kiev, gây ra thiệt hại nghiêm trọng.

Bom GLSDB là một loại bom đường kính nhỏ được phát triển bởi tập đoàn Boeing của Mỹ và Saab của Thụy Điển. Được mệnh danh là một vũ khí "lai", bom GLSDB được tạo nên từ một sự kết hợp độc đáo giữa bom truyền thống và pháo phản lực phóng loạt.

Dù là bom nhưng GLDRS được phóng đi từ mặt đất, cụ thể là từ hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS hoặc pháo tự hành M270 và các biến thể. Tầm bắn của bom lên tới 160km.

Ukraine kỳ vọng GLDRS có thể giúp họ tấn công chọc sâu vào các mục tiêu của Nga phía sau tiền tuyến để có thể đáp trả bom thông minh của Nga. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra.

Hệ thống định vị trên GLDRS đã trở thành mục tiêu cho thiết bị gây nhiễu của Nga trong thời gian qua.

Dù nhà thầu Boeing tuyên bố GLDRS có thể đối phó với một số thiết bị tác chiến điện tử nhất định, nhưng theo nguồn tin, hãng này có thể mất nhiều tháng để cải tạo và nâng cấp vũ khí nhằm đối phó với Nga.

Hiện tượng gây nhiễu xảy ra khi một bên phát ra năng lượng lớn vào một khu vực, lấn át tín hiệu của thiết bị. Nga đã sử dụng chiến thuật này để gây nhiễu tín hiệu vô tuyến, máy bay không người lái của Ukraine và thậm chí cả đạn pháo Excalibur 155mm dẫn đường bằng GPS mà Mỹ cấp cho Kiev.

Ukraine đã sử dụng bom GLSDB từ đầu năm nay nhưng giới chuyên gia nhận định vũ khí này không đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

Tom Karako, chuyên gia vũ khí tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết, việc gây nhiễu trên chiến trường ở Ukraine "đơn giản là một thực tế và nhiều hệ thống vũ khí đã phải đối mặt với điều này".

Bom GLSDB không phải là "nạn nhân" đầu tiên của tác chiến điện tử Nga. Đạn pháo Excalibur, rocket HIMARS, bom thông minh JDAM của Mỹ trong thời gian qua đã ghi nhận tình trạng bay chệch hướng dù chúng được xem là vũ khí khá chính xác. 

Theo Telegraph, dọc gần như toàn bộ chiến tuyến, một bức tường xung điện từ vô hình giờ trải dài như một tấm khiên che chắn cho lực lượng Nga. Một mạng lưới tín hiệu vô tuyến, hồng ngoại và radar phức tạp được phóng lên bầu trời trên chiến trường mang lại cho lực lượng Nga sự bảo vệ chưa từng có ở một số khu vực.

Các hệ thống tác chiến điện tử của Nga không chỉ vô hiệu hóa tên lửa mà cả máy bay không người lái (UAV), loại vũ khí mà Ukraine ngày càng phụ thuộc để thực hiện nhiệm vụ trinh sát và tấn công tầm xa. 

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine