1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mỹ thua Nga về tác chiến điện tử?

Thành Đạt

(Dân trí) - Cựu quan chức Lầu Năm Góc cho rằng Nga và các đối thủ tiềm năng khác đã "vượt mặt" quân đội Mỹ trong lĩnh vực tác chiến điện tử.

Mỹ thua Nga về tác chiến điện tử? - 1

Hệ thống pháo phản lực HIMARS của Mỹ (Ảnh: Sputnik).

Phát biểu tại hội nghị ở Tampa, Florida trong tuần này, cựu Trung tướng lục quân Mỹ Mike Nagata cảnh báo Washington "đang tụt lại phía sau" các đối thủ trong lĩnh vực tác chiến điện tử.

Ông Nagata cho rằng, khoảng cách giữa vị trí của Mỹ và các đối thủ "ngày càng nới rộng" trên nhiều khía cạnh.

Công nghệ gây nhiễu ngày càng trở thành một công cụ quan trọng trên chiến trường và điều này đã được thể hiện rõ trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Các lực lượng Nga đã thành công trong việc đưa tên lửa HIMARS và các loại vũ khí khác do Mỹ sản xuất đi chệch hướng, sử dụng tín hiệu điện tử để làm xáo trộn hệ thống dẫn đường của các vũ khí này.

Tướng Valery Zaluzhny, cựu tư lệnh quân đội Ukraine, từng nhận định trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 11 năm ngoái rằng, Nga đã chiếm thế thượng phong về tác chiến điện tử. Ông gọi tác chiến điện tử là "chìa khóa chiến thắng".

Tướng Nagata, người đứng đầu Trung tâm Chỉ huy Tác chiến Đặc biệt của Mỹ (SOCCENT) ở Trung Đông, cho biết Lầu Năm Góc cần sáng tạo hơn trong việc sử dụng công nghệ vô tuyến, đặc biệt là thông tin liên lạc trong không gian, để thu hẹp khoảng cách trong lĩnh vực tác chiến điện tử.

Nỗ lực gây nhiễu của Nga được cho là đã làm giảm tỷ lệ chính xác của đạn pháo Excalibur do Mỹ sản xuất xuống 6% so với mức thông thường là 70%. Các cựu quan chức Mỹ nói với Defense One rằng Moscow đã liên tục đầu tư vào việc đổi mới tác chiến điện tử trong nhiều thập niên. Trong khi Nga đạt được những bước tiến, nỗ lực tác chiến điện tử của Mỹ tập trung vào việc thu thập thông tin tình báo ở Trung Đông.

Ông Nagata cho biết việc đối phó với khả năng gây nhiễu của Nga sẽ đòi hỏi phải chấp nhận rủi ro nhiều hơn trong nỗ lực thúc đẩy liên lạc vệ tinh và các công nghệ khác.

"Chính phủ Mỹ, đặc biệt là giới lãnh đạo - từ các sĩ quan quân đội cấp cao cho đến các nhà hoạch định chính sách dân sự - phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro nhiều hơn trong việc thử nghiệm, áp dụng và sử dụng các công nghệ mới. Chúng ta phải chấp nhận thất bại, nếu không sẵn sàng thất bại, sẽ không có thành công", tướng Mỹ nhận định.

Tác chiến điện tử là một khái niệm rộng lớn, bao gồm nhiều kỹ thuật, như gây nhiễu, giả mạo thông tin mục tiêu. Gây nhiễu là tính năng đơn giản nhất khi thiết bị sẽ can thiệp vào tần số kết nối giữa vũ khí và hệ thống dẫn đường để chúng bị gián đoạn.

Giả mạo thông tin mục tiêu là kỹ thuật phức tạp hơn khi gửi hàng loạt vị trí giả tới hệ thống định vị của vũ khí, làm cho vũ khí tấn công chệch mục tiêu.  

Tác chiến điện tử có thể được thực hiện bằng công nghệ chi phí thấp nhưng hiệu quả cao. Cả Nga và Ukraine đều đang sử dụng tác chiến điện tử rộng rãi, không chỉ để ngăn hỏa lực chính xác mà còn cả máy bay không người lái (UAV).

Nga trong nhiều năm qua được xem là cường quốc về tác chiến điện tử khi liên tục cải tiến khả năng trong lĩnh vực này. Đây là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng khi UAV đang tràn ngập các mặt trận và tác chiến điện tử được xem là biện pháp rẻ và hiệu quả nhất.

Vì vậy, khi Mỹ gửi các vũ khí thông minh tới Ukraine, Nga thường sẽ mất vài tháng hoặc thậm chí vài tuần để có thể thích nghi. Điều này khiến cho độ chính xác của những vũ khí này thường giảm dần theo thời gian.

Theo RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm