Ukraine buộc phải gửi đạn chờ bị tiêu hủy ra tiền tuyến vì "khát" vũ khí
(Dân trí) - Ukraine thừa nhận họ phải gửi đạn dược trong tình trạng sắp bị tiêu hủy cho các đơn vị chiến đấu vì thiếu nghiêm trọng vũ khí.
Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 17/7 cho biết họ đã bàn giao lại cho Lực lượng Vũ trang nước này một lượng đáng kể đạn dược với nhiều cỡ nòng khác nhau. Trước khi chiến sự với Nga nổ ra vào tháng 2/2022, số đạn này đã được chuyển giao cho các doanh nghiệp để tiêu hủy dưới danh nghĩa là hàng tồn kho".
Các loại đạn này - chủ yếu là đạn pháo và đạn vũ khí hạng nhẹ - đang được kiểm tra chất lượng "kỹ lưỡng" trước khi được phân phối cho lực lượng Ukraine ở tiền tuyến.
"Chúng tôi đang tìm kiếm đạn dược dự trữ trong nội bộ để cung cấp cho binh lính Ukraine. Chúng tôi hiểu rằng vào lúc này mọi viên đạn, tên lửa và đạn dược đều quan trọng trên chiến trường. Thay vì tiêu hủy số đạn này, chúng tôi (dùng chúng) để tấn công đối thủ", Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Yury Dzhyhyr cho biết trong tuyên bố.
Diễn biến này cho thấy áp lực mà Ukraine đang đối mặt về vấn đề đạn dược trong cuộc chiến tiêu hao với Nga. Kiev đã kêu gọi các đồng minh phương Tây cung cấp thêm vũ khí và đạn dược để giúp nước này chống lại Nga.
Tuy nhiên, phương Tây đang gặp thách thức với khả năng sản xuất quốc phòng để bắt kịp với Nga, một cường quốc quân sự toàn cầu. Một báo cáo hồi tháng 5 chỉ ra, Nga dự kiến có sản lượng đạn dược lớn gấp 3 phương Tây trong năm 2024 với giá thành chỉ bằng 1/4. Nga đang chiếm ưu thế trong cuộc chiến tiêu hao với đối phương.
Dự báo của Bain chỉ ra rằng vào năm 2024, Nga có thể sẽ sản xuất khoảng 4,5 triệu quả đạn pháo, trong khi EU và Mỹ cộng lại sẽ sản xuất khoảng 1,3 triệu quả.
Hồi tháng 6, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: "Đúng là Nga đã có thể xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng của họ nhanh hơn chúng tôi nghĩ. Đúng là các đồng minh NATO đã mất nhiều thời gian hơn đáng lẽ để tăng cường sản xuất".
"Đã có sự chậm trễ và thiếu sót trong việc chuyển giao vũ khí cho Kiev trong những tháng gần đây, nhưng điều này thực sự đang thay đổi và lượng đạn dược vào Ukraine đã tăng lên trong những tuần qua", ông nói.
Sự chênh lệch trong sản xuất đạn pháo giữa 2 bên đã thể hiện trong cuộc chiến ở Ukraine.
Trung bình, lực lượng Nga có thể bắn 5 quả đạn trong khi Ukraine chỉ có thể bắn 1 quả. Điều này buộc quân đội Ukraine phải nhắm mục tiêu hiệu quả hơn, sử dụng ít đạn hơn để đạt được hiệu quả tấn công.