1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ukraine bất bình vì bị lộ tin kêu gọi Mỹ triển khai tên lửa Tomahawk

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ukraine không hài lòng khi bị lộ thông tin họ đề nghị Mỹ đặt tên lửa tầm xa Tomahawk trên lãnh thổ như một biện pháp răn đe các đối thủ tiềm tàng.

Ukraine bất bình vì bị lộ tin kêu gọi Mỹ triển khai tên lửa Tomahawk - 1

Một tên lửa Tomahawk (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Vụ rò rỉ gần đây về việc Kiev kêu gọi Mỹ đặt tên lửa Tomahawk trên lãnh thổ trên lãnh thổ Ukraine cho thấy hành động vi phạm tính bảo mật giữa Kiev và đối tác phương Tây của mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết hôm 30/10.

"Nhưng đó là thông tin mật giữa Ukraine và Nhà Trắng… Làm sao để hiểu những thông điệp này? Điều đó có nghĩa là không có cái gọi là thông tin bảo mật nào giữa các đối tác", ông Zelensky nói.

Bình luận của ông được đưa ra sau khi New York Times dẫn nguồn từ quan chức cấp cao Mỹ cho hay, ông Zelensky đã đề nghị Washington triển khai tên lửa Tomahawk tại Ukraine như một phần của "gói răn đe phi hạt nhân" trong kế hoạch chiến thắng của ông.

Kế hoạch chiến thắng do nhà lãnh đạo Zelensky đề xuất bao gồm năm điểm với ba phụ lục được bảo mật, trong đó có lời đề nghị NATO ngay lập tức mời Ukraine gia nhập, dỡ bỏ các hạn chế áp lên vũ khí tầm xa được viện trợ. Ông Zelensky cũng đề xuất phương Tây "triển khai biện pháp răn đe chiến lược phi hạt nhân toàn diện" trên đất Ukraine nhằm gửi thông điệp tới Nga.  

Tên lửa Tomahawk có tầm bắn hơn 2.400km, gấp khoảng 7 lần tầm bắn của tên lửa tầm xa ATACMS mà Ukraine nhận được từ Mỹ trước đó.

Theo nguồn tin, các quan chức Mỹ đã không chấp nhận đề nghị này, mô tả nó là "bất khả thi".

Theo các nguồn tin, Ukraine đã không thể thuyết phục các nhà ngoại giao phương Tây về lý do tại sao họ cần Tomahawk. Số lượng mục tiêu của Ukraine ở Nga cũng được cho là vượt xa số lượng tên lửa dự trữ mà Mỹ có thể chuyển giao mà không gây nguy hiểm cho lợi ích của họ ở Trung Đông và Châu Á.

Tomahawk được trình làng vào năm 1983 và được đưa vào thực chiến năm 1991 trong cuộc chiến vùng Vịnh. Tên lửa hành trình này có khả năng mang đầu đạn nặng 450kg hoặc đầu đạn hạt nhân. Tomahawk sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính và định dạng địa hình có khả năng tự điều chỉnh đường bay giữa hành trình dựa vào dữ liệu vệ tinh.

Tomahawk có độ linh hoạt khá cao khi vừa có thể phóng đi từ các bệ phóng cố định hoặc từ tàu nổi hay tàu ngầm. Ngoài ra, bằng cách bay ở tầm thấp với tốc độ khoảng 900km/h, tên lửa Tomahawk có thể vượt qua hầu hết các hệ thống radar và phòng không thông thường.

Theo Kyiv Post
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm