1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Báo Mỹ: Ukraine kêu gọi Washington đặt tên lửa Tomahawk trên lãnh thổ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Truyền thông Mỹ đưa tin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dường như đã đề nghị Washington đặt tên lửa Tomahawk trên lãnh thổ như biện pháp răn đe.

Báo Mỹ: Ukraine kêu gọi Washington đặt tên lửa Tomahawk trên lãnh thổ - 1

Tên lửa Tomahawk (Ảnh minh họa: AFP).

New York Times dẫn nguồn thạo tin cho hay, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đề nghị Mỹ triển khai tên lửa Tomahawk tại Ukraine như một phần của "gói răn đe phi hạt nhân" trong kế hoạch chiến thắng của ông.

Kế hoạch chiến thắng do nhà lãnh đạo Zelensky đề xuất bao gồm năm điểm với ba phụ lục được bảo mật, trong đó có lời đề nghị NATO ngay lập tức mời Ukraine gia nhập, dỡ bỏ các hạn chế áp lên vũ khí tầm xa được viện trợ. Ông Zelensky cũng đề xuất phương Tây "triển khai biện pháp răn đe chiến lược phi hạt nhân toàn diện" trên đất Ukraine nhằm gửi thông điệp tới Nga.  

Tên lửa Tomahawk có tầm bắn hơn 2.400km, gấp khoảng 7 lần tầm bắn của tên lửa tầm xa ATACMS mà Ukraine nhận được từ Mỹ trước đó.

Theo các nguồn tin, Ukraine đã không thể thuyết phục các nhà ngoại giao phương Tây về lý do tại sao họ cần Tomahawk. Số lượng mục tiêu của Ukraine ở Nga cũng được cho là vượt xa số lượng tên lửa dự trữ mà Mỹ có thể chuyển giao mà không gây nguy hiểm cho lợi ích của họ ở Trung Đông và Châu Á.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu cho rằng phương Tây nên nghiêm túc cân nhắc việc triển khai các vũ khí thông thường, phi hạt nhân có khả năng răn đe, ví dụ hệ thống tên lửa tầm xa, trên lãnh thổ Ukraine sau khi cuộc xung đột hiện tại khép lại.

Ông Lecornu nhận định, kế hoạch của ông Zelensky là "khởi đầu cho một lộ trình chính trị mà chúng ta phải đảm nhận để giúp Ukraine về lâu dài, và đặc biệt là đặt câu hỏi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo".

Trước đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot phát đi tín hiệu rằng Paris ủng hộ kế hoạch chiến thắng của ông Zelensky. Tuy nhiên, một số quốc gia NATO khác có quan điểm không tương đồng.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã từ chối cung cấp tên lửa tầm xa cho Kiev hoặc ủng hộ việc Kiev nhanh chóng gia nhập NATO, trong khi các quan chức Hungary đã cảnh báo rằng cách tiếp cận như vậy có thể dẫn đến sự leo thang lớn.

Mặt khác, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã bác bỏ kế hoạch của ông Zelensky, cảnh báo rằng Kiev đang "đẩy các thành viên NATO tới một cuộc xung đột trực tiếp" với Nga.

Theo Kyiv Independent
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine