Trung Quốc nêu cách duy nhất chấm dứt xung đột Ukraine
(Dân trí) - Trung Quốc cho rằng, cách duy nhất để giải quyết xung đột Nga - Ukraine là đàm phán.
Phát biểu trong cuộc gặp gỡ những người đồng cấp của các nước Trung Á tại tỉnh Tây An ngày 27/4, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương cho biết, dù cuộc xung đột ở Ukraine có phức tạp đến đâu thì cũng phải giải quyết trên bàn đàm phán.
Trang chủ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trích dẫn lời Ngoại trưởng Tần Cương: "Bất kể cuộc khủng hoảng này phức tạp đến đâu, nó phải được giải quyết bằng đàm phán. Bất kể cuộc xung đột này phức tạp đến mức nào, nó chỉ có thể được giải quyết bằng chính trị".
Ông nói thêm rằng, bối cảnh lịch sử quan trọng và những lý do thực tế phức tạp đã đẩy cuộc khủng hoảng tại Ukraine leo thang đến giai đoạn hiện tại. "Trung Quốc và các nước Trung Á có chung quan điểm và lập trường về cuộc khủng hoảng Ukraine", ông Tần Cương nhấn mạnh.
Nhà ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định, Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với cộng đồng quốc tế, bao gồm cả các quốc gia Trung Á, để đạt được phương án chung nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine.
Ngày 26-27/4, ông Tần Cương tham gia cuộc họp lần thứ 4 với các ngoại trưởng của 5 nước Trung Á, gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan and Uzbekistan, nhằm chia sẻ quan điểm về các vấn đề cấp bách của khu vực và thế giới.
Trung Quốc đang nỗ lực thể hiện vai trò trung gian hòa giải xung đột ở Ukraine. Hồi tháng 2, Bắc Kinh đưa ra một bản đề xuất hòa bình gồm 12 điểm. Tuy nhiên, đề xuất nhận được phản ứng trái chiều của Nga và phương Tây.
Kiev và các đồng minh, đối tác phương Tây nhấn mạnh, hòa đàm chỉ diễn ra khi Moscow rút hết quân khỏi Ukraine, khôi phục đường biên giới năm 1991 của nước này.
Cuộc xung đột Nga và Ukraine đã kéo dài hơn một năm những chưa có dấu hiệu hạ nhiệt bất chấp nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế.
Báo Washington Post trích dẫn tài liệu bị rò rỉ của tình báo Mỹ cho biết, Nga có đủ nguồn lực để kéo dài chiến dịch quân sự tại Ukraine thêm ít nhất một năm nữa, bất chấp lệnh trừng phạt của quốc tế.
Theo tài liệu này, một số doanh nhân hàng đầu của Nga có thể không đồng tình với chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine, nhưng ít khả năng họ rút lại sự ủng hộ dành cho Tổng thống Vladimir Putin bất chấp hoạt động kinh doanh của họ bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tuy nhiên, theo Washington Post, các tài liệu bị rò rỉ dường như không tính đến tác động của những biện pháp trừng phạt mới phương Tây áp đặt lên Moscow cũng như các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu của Nga.
Về phía Nga, giới chức nước này nhiều lần khẳng định, các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm làm suy yếu Nga, song nỗ lực này đã thất bại. Liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine, Moscow khẳng định sẵn sàng đàm phán để chấm dứt xung đột, song Nga cũng phải đạt được mọi mục tiêu đề ra.