1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga muốn chấm dứt xung đột, nhưng không thay đổi mục tiêu ở Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Nga hoan nghênh bất cứ nỗ lực nào nhằm tiến nhanh đến chấm dứt xung đột ở Ukraine, nhưng Moscow sẽ vẫn đạt được các mục tiêu đề ra trong chiến dịch quân sự đặc biệt.

Nga muốn chấm dứt xung đột, nhưng không thay đổi mục tiêu ở Ukraine - 1

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: Reuters).

"Chúng tôi sẵn sàng hoan nghênh bất cứ nỗ lực nào có thể giúp đẩy nhanh việc chấm dứt xung đột ở Ukraine và Nga sẽ đạt tất cả các mục tiêu đề ra", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 27/4 cho biết khi được hỏi về phản ứng với cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Bình luận về cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022, ông Peskov nói: "Các cuộc điện đàm như vậy thuộc về quyền chủ quyền của các quốc gia này".

Ông cho biết thêm, phía Nga và Trung Quốc không thảo luận việc khôi phục đường biên giới được công nhận năm 1991 của Ukraine khi ông Tập Cận Bình thăm Moscow gần đây.

Trước đó, truyền thông Trung Quốc đưa tin, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Zelensky, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh "lối thoát duy nhất" cho cuộc xung đột ở Ukraine là "đối thoại và đàm phán". "Về vấn đề khủng hoảng Ukraine, Trung Quốc luôn đứng về phía hòa bình và lập trường cốt lõi của Trung Quốc là thúc đẩy các cuộc hòa đàm", hãng tin CCTV dẫn lời ông Tập Cận Bình.

Moscow đã hoan nghênh nỗ lực hòa giải của Bắc Kinh, mặt khác nói rằng hiện tại chưa nhận thấy triển vọng đàm phán nhằm chấm dứt xung đột với Ukraine.

Trong khi đó, phương Tây phản ứng thận trọng. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói, tuy các đồng minh của Kiev hoan nghênh cuộc điện đàm của ông Tập Cận Bình, nhưng điều đó cũng không thay đổi được một thực tế là Trung Quốc đến nay vẫn không chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Theo ông Stoltenberg, cuộc chiến ở Ukraine có thể kết thúc trên bàn đàm phán, nhưng Kiev sẽ là bên quyết định các điều kiện, thể thức hòa đàm. Ông nhấn mạnh, trong bất cứ trường hợp nào, triển vọng đàm phán đòi hỏi Ukraine phải có sức mạnh quân sự cần thiết để phát thông điệp tới Nga.

Ông cho biết, các đồng minh NATO đã cung cấp viện trợ chưa từng thấy cho Ukraine, nhưng cũng không nên xem thường năng lực của Nga. Do vậy, ông kêu gọi NATO tiếp tục hỗ trợ Ukraine những gì họ cần để giành chiến thắng. NATO dự kiến thảo luận chương trình viện trợ nhiều năm cho Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7 tới.

Nga từ lâu chỉ trích sự hỗ trợ này của phương Tây dành cho Ukraine, coi đây là bằng chứng cho thấy Mỹ và các đồng minh đang can dự trực tiếp vào cuộc xung đột. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, phương Tây không còn che giấu việc họ thực sự đứng sau hoạch định và tìm mọi cách giúp Ukraine phản công thành công, khiến Nga tổn thất tối đa.

Đến nay, Ukraine chia sẻ với Mỹ rất ít thông tin về kế hoạch phản công. Tuy vậy, giới chức Mỹ nhận định, Kiev nhiều khả năng sẽ phản công ở miền Nam, gồm khu vực dọc biển Azov, gần bán đảo Crimea.

Theo AFP, Reuters, New York Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm