1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Triều Tiên có thể biến lá chắn tên lửa Mỹ thành “vật trang trí”?

(Dân trí) - Một báo cáo mới đây của chính phủ Mỹ cho biết Triều Tiên có thể đang sở hữu công nghệ vũ khí hiện đại với khả năng vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ triển khai tại Hàn Quốc và biến hệ thống tối tân này thành “vật trang trí”.

Tên lửa Triều Tiên rời bệ phóng (Ảnh: KCNA)
Tên lửa Triều Tiên rời bệ phóng (Ảnh: KCNA)

Sputnik dẫn các báo cáo mới đây của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) cho biết Triều Tiên đã chế tạo thành công các tên lửa đạn đạo có khả năng di chuyển ở những góc mà hệ thống THAAD tối tân của Mỹ cũng không thể đánh chặn.

Một khi những tên lửa đạn đạo của Triều Tiên quay trở lại khí quyển của Trái Đất, các đầu đạn hạt nhân được gắn trên các tên lửa này có thể bay ở những góc dốc hơn và di chuyển với vận tốc cao hơn, từ đó thu được nhiều lực hút của trái đất hơn. Với công nghệ cải tiến này, Triều Tiên có thể khiến hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ khó có khả năng đánh chặn tên lửa của Bình Nhưỡng, báo cáo cho biết.

Cũng theo các nhà nghiên cứu Mỹ, “Triều Tiên đã cho thấy khả năng tiến hành một cuộc tấn công hàng loạt”, tức là nước này có thể phóng một loạt tên lửa liên tiếp mà gần như không có thời gian chết giữa các loạt phóng. Đây cũng là một mối đe dọa đối với THAAD bởi hệ thống này khó có khả năng đánh chặn kịp thời hàng loạt tên lửa cùng một lúc. Theo đó, CRS cảnh báo công nghệ này sẽ cho phép Bình Nhưỡng tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo với quy mô lớn nhằm vào đối phương.

Ngoài ra, Triều Tiên cũng đã tiến hành thử nghiệm nhiều tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm trong vòng 2 năm qua. Những tên lửa này có thể nằm ngoài năng lực radar của THAAD.

Mỹ và Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận lắp đặt THAAD từ tháng 7/2016 và các bộ phận đầu tiên của hệ thống này bắt đầu được đưa tới Hàn Quốc từ đầu tháng 3 vừa qua. THAAD hiện được đặt tại một sân golf cũ tại thị trấn miền núi Seongju, phía nam Hàn Quốc. Mục đích của việc triển khai THAAD là nhằm bảo vệ Hàn Quốc trước sức mạnh tên lửa ngày càng tăng từ Triều Tiên bất chấp sự phản đối kịch liệt từ phía Trung Quốc vì lo ngại nguy cơ an ninh do hệ thống này mang lại.

Trong khi một số chuyên gia vẫn tỏ ra nghi ngờ về những vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, cho rằng đây chỉ là cách để Bình Nhưỡng gây chú ý với dư luận quốc tế, thì báo cáo của CRS khẳng định các vụ thử tên lửa này trên thực tế có thể giúp Triều Tiên kiểm tra và nâng cao tính hiệu quả cũng như khả năng sống sót của các hệ thống tên lửa đạn đạo.

Lấy ví dụ như vụ thử tên lửa vào cuối tuần trước của Triều Tiên. Mặc dù Bình Nhưỡng được cho là đã phóng không thành công, nhưng giới chức quốc phòng Hàn Quốc không đồng ý với kết luận này. Họ cho rằng vụ phóng thử thất bại này là có chủ đích và Triều Tiên đang tìm cách “phát triển một vũ khí hạt nhân mới, khác hoàn toàn với các loại vũ khí hiện hành”.

Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ ước tính kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên hiện có khoảng từ 1-2 vũ khí. Tuy nhiên, nhà vật lý hạt nhân David Albright lại đưa ra con số rằng Bình Nhưỡng có thể đang sở hữu khoảng 30 vũ khí hạt nhân và con số này sẽ tăng lên 60 vào cuối thập niên này.

“Những năm vừa qua đã chứng kiến quá trình phát triển năng lực hạt nhân một cách công khai và vượt trội của Triều Tiên”, ông Albright cho biết trong cuộc họp báo gần đây.

Hệ thống THAAD (Ảnh: Fox)
Hệ thống THAAD (Ảnh: Fox)

Thành Đạt

Tổng hợp