Thụy Điển gia nhập NATO: 30 năm thay đổi đại chiến lược
Sau nhiều tháng đứng nhìn bạn láng giềng Phần Lan bước vào NATO trước, Thụy Điển gần đây đã vượt qua những rào cản cuối cùng là Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary trên đường vào liên minh quân sự, chính thức đặt dấu chấm hết cho truyền thống phi liên kết quân sự của mình.
"Với việc gia nhập NATO, Thụy Điển hoàn thành quá trình 30 năm thay đổi từ đại chiến lược đã có từ thời Napoleon là không gia nhập liên minh để tránh chiến tranh, sang đại chiến lược gia nhập liên minh hùng mạnh để tránh chiến tranh", ông Robert Daljso, Giám đốc nghiên cứu thuộc Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển, nói với phóng viên Dân trí.
Cùng với sự gia nhập của Phần Lan, tư cách thành viên của Thụy Điển sẽ giúp NATO thay đổi cấu trúc an ninh châu Âu và củng cố điều mà họ thường gọi là "sự răn đe" trước Nga, theo các chuyên gia.
Ngược lại, Moscow cũng sẽ nhìn nhận những diễn biến này là mối đe dọa. Ngay từ khi Thụy Điển và Phần Lan cùng gửi đơn xin gia nhập NATO, Nga đã cảnh báo rằng sẽ có biện pháp đáp trả tương ứng về mặt "kỹ thuật - quân sự".
Xóa tan sự bất định
Từ trước khi bước vào NATO, Thụy Điển đã có mối quan hệ gần gũi với liên minh quân sự này trong 30 năm qua. Thụy Điển từng góp sức cho một số sứ mệnh của liên minh và cũng hợp tác chặt chẽ với đại đa số đồng minh NATO ở châu Âu trong tư cách thành viên EU.
Nhưng mãi tới gần đây, Thụy Điển vẫn chưa phải thành viên NATO chính thức. Thực tế này ít nhiều đặt ra câu hỏi liệu khi xung đột nổ ra giữa NATO và Nga ở vùng Baltic hoặc Phần Lan, Thụy Điển có cho liên minh này mượn đường chuyển binh hay không.
"Việc Thụy Điển gia nhập NATO xóa tan yếu tố bất định trong cách hành động của Stockholm khi xảy ra khủng hoảng hoặc xung đột", ông Dalsjo nói.
Vị trí địa lý có lẽ là lợi thế lớn nhất mà Thụy Điển đem lại cho NATO, giúp liên minh này có trạm trung chuyển hậu cần.
"Nhìn vào bản đồ, có thể thấy Thụy Điển là mảnh ghép thiết yếu trong bức tranh của NATO, tạo ra chiều sâu chiến lược cho Phần Lan và các quốc gia vùng Baltic", ông Dalsjo nói.
Giới hoạch định chính sách của liên minh từ lâu vẫn lo lắng về cách hỗ trợ các nước Baltic nếu Nga chiếm giữ hàng lang dài gần 70km có tên "Khe Suwalki" nối Belarus và Kaliningrad của Nga. Vị trí của Thụy Điển giáp ranh cả Biển Bắc và Biển Baltic sẽ giúp NATO di chuyển viện binh dễ dàng hơn.
Với tư cách thành viên của Thụy Điển, Biển Baltic gần như trở thành điều mà một số nhà phân tích gọi là "Hồ NATO", giúp liên minh này thuận lợi hơn trong việc giám sát tàu ngầm hạt nhân của Nga ra vào biển cả.
Thụy Điển có ngành công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, có thể tự chế tạo máy bay chiến đấu, tàu hộ tống và tàu ngầm hải quân chuyên hoạt động trong môi trường thách thức của Biển Baltic.
"Khả năng tự vệ của Thụy Điển ở Biển Baltic đã khá phát triển", bà Gunilla Herolf, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Thụy Điển, nói với phóng viên Dân trí.
"Ngoài ra, Thụy Điển còn có khả năng chiến đấu và tự vệ trên lãnh thổ Bắc Cực, tức phía bắc Thụy Điển. Đây cũng là điều mà nhiều quốc gia không có được", bà Herolf bổ sung.
Từ tư duy tách biệt sang tập thể
Sau khi Liên Xô tan rã, Stockholm cho rằng chiến tranh đã là chuyện quá khứ. Trong vòng 20 năm, nước này giảm quy mô khoảng 90% lục quân và khoảng 70% lực lượng hải quân và không quân, theo báo cáo năm 2011 của tác giả Hela Odin cho Bộ Tài chính Thụy Điển.
Nhưng sau khi Nga động binh ở Georgia năm 2008 và sáp nhập Crimea vào năm 2014, Thụy Điển chợt nhận ra họ bị "thâm hụt răn đe", theo cách gọi của ông Dalsjo.
"Chiến sự Ukraine đã thực sự truyền đi thông điệp rằng việc hy vọng vào điều tốt nhất không phải là chiến lược tốt. Những phát biểu của Nga liên quan tới chiến tranh hạt nhân cũng cho thấy các lực lượng thông thường không đủ răn đe", ông Dalsjo nói.
Gia nhập NATO, Thụy Điển được hưởng đảm bảo an ninh từ điều 5 về phòng vệ tập thể nhưng cũng phải hoàn thành các nghĩa vụ thành viên, trong đó có việc đảm bảo chi tiêu quốc phòng.
AFP dẫn số liệu từ chính phủ Thụy Điển đưa tin, chi tiêu quốc phòng của nước này vào năm 1990 là 2,6% GDP, nhưng con số đã giảm xuống còn 1,2% vào năm 2020. Nhưng ngân sách quốc phòng bắt đầu tăng trở lại sau khi Nga tuyên bố sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Vào tháng 3/2022, Thụy Điển tuyên bố sẽ tăng chi tiêu quốc phòng trở lại để đạt mục tiêu 2% GDP "càng sớm càng tốt". Tới cuối năm ngoái, chính phủ Thụy Điển cho biết chi tiêu quân sự sẽ vượt mục tiêu 2% vào năm 2024, ngưỡng tiêu chuẩn của các nước NATO.
"Công tác tái vũ trang Thụy Điển sẽ là gánh nặng (tài chính) lớn. Việc này nhận được sự ủng hộ lớn nhưng vẫn gây sức ép lên xã hội", bà Herolf nhận định.
Bước vào NATO, Thụy Điển sẽ phải thay đổi về tư duy chính sách quốc phòng. Thay vì tập trung hoàn toàn vào việc phòng thủ lãnh thổ, Stockholm sẽ phải suy nghĩ từ góc độ của cả liên minh để thích ứng với bối cảnh mới.
"Thụy Điển hiện chuyển sang phòng thủ tập thể, có nghĩa là chúng tôi sẽ bảo vệ Thụy Điển ngay từ Phần Lan và các nước vùng Baltic. Đó là sự thay đổi to lớn cả về tư duy lẫn năng lực thực tế, vì điều này đòi hỏi có đội quân có năng lực triển khai tới các nước láng giềng", ông Dalsjo nói.
Dù vậy, bà Herolf nhận định Stockholm sẽ không thay đổi về mặt ngoại giao vì đường lối đối ngoại của các nước NATO từ trước vẫn khá độc lập. Thụy Điển nhiều khả năng cũng không đồng ý đặt vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ nước này.
Nga sẽ đáp trả về lâu dài
Điện Kremlin luôn tin rằng sự mở rộng của NATO là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của nước Nga. Tổng thống Vladimir Putin cũng từng tuyên bố đây là một trong những lý do khiến ông phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.
Bà Maria Zakharova, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, gần đây nói rằng động thái gia nhập NATO của Thụy Điển đang làm gia tăng căng thẳng và quân sự hóa.
"Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ hành động của Thụy Điển trong khối quân sự hiếu chiến, cách nước này hiện thực hóa tư cách thành viên của mình trên thực tế…", Reuters ngày 28/2 dẫn lời bà Zakharova. "Dựa trên điều này, chúng tôi sẽ có phản ứng bằng các bước trả đũa mang tính chất kỹ thuật - quân sự và các tính chất khác".
Hiện chưa rõ biện pháp "kỹ thuật - quân sự" mà phía Nga thường nhắc tới sẽ bao gồm những gì.
Gần đây, giới chức Thụy Điện đã cảnh báo nguy cơ từ "các cuộc tấn công hỗn hợp", bao gồm tội phạm mạng. Trong khi đó, Phần Lan nói rằng một loạt vụ việc gần đây liên quan tới người tị nạn vượt biên vào nước này từ Nga là ví dụ cho thấy hoạt động hỗn hợp của Moscow, theo Bloomberg.
Theo 2 tác giả Nicholas Lokker và Heli Hautala, ngay từ bây giờ, Nga đã có một số phản ứng.
"Kế hoạch cải cách giai đoạn 2023-2026 sẽ bao gồm việc thành lập một tập đoàn quân ở Cộng hòa Karelia gần biên giới với Phần Lan, cũng như tái lập các quân khu Moscow và Leningrad thông qua việc giải thể quân khu phía tây hiện tại", các tác giả viết trên War On The Rocks.
Trước mắt, Moscow sẽ còn gặp hạn chế trong khả năng phản ứng bằng quân sự vì còn tập trung vào chiến sự Ukraine. Nhưng đến cuối cùng, Nga sẽ hồi phục lực lượng và có thể có sự điều chỉnh lâu dài thế trận của mình để đáp trả sự hiện diện của NATO ở Phần Lan và Thụy Điển.
"Khi Nga dần rời xa chiến sự Ukraine, các động thái xây mới các cơ sở hạ tầng của NATO sẽ làm gia tăng hơn nữa mức độ đánh giá mối đe dọa của Moscow và khiến nước này dành sự chú ý nhiều hơn cho sườn tây bắc của mình", hai tác giả Lokker và Hautala viết.