1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Xung đột Nga - Ukraine leo thang, Thụy Điển cảnh báo nguy cơ chiến tranh

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức cấp cao Thụy Điển kêu gọi người dân chuẩn bị cho một cuộc chiến có thể xảy ra, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Nga.

Xung đột Nga - Ukraine leo thang, Thụy Điển cảnh báo nguy cơ chiến tranh - 1

Một binh sĩ Thụy Điển đứng trên xe tăng khi các trung đoàn Thụy Điển diễn tập với đại đội pháo bọc thép do Mỹ tăng cường ở Skovde (Ảnh: Reuters).

Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom ngày 7/1 tuyên bố, việc nước này dự kiến trở thành thành viên của liên minh quân sự NATO do Mỹ đứng đầu là "sự thay đổi lớn nhất trong chính sách an ninh của Thụy Điển trong hơn 200 năm".

"Nga sẽ trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của Thụy Điển và châu Âu trong tương lai gần", ông Billstrom cảnh báo.

Ông Billstrom thừa nhận Thụy Điển "phải thực tế và chuẩn bị cho một cuộc đối đầu kéo dài".

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson tuyên bố "chiến tranh cũng có thể xảy ra với chúng ta". Ông cho rằng Ukraine đang đóng vai trò là "lá chắn của châu Âu" trong cuộc xung đột với Nga.

Năm ngoái, Thụy Điển đã từ bỏ chính sách không liên kết kéo dài hàng thế kỷ để nộp đơn xin gia nhập NATO, do lo ngại chiến dịch quân sự của Nga tại Ukarine. Phần Lan, nước láng giềng Bắc Âu của Thụy Điển, cũng nộp đơn xin gia nhập và trở thành thành viên NATO vào tháng 4/2023.

Để trở thành thành viên NATO, hồ sơ của Thụy Điển cần phải được tất cả quốc gia thành viên NATO chấp thuận. Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, đã trì hoãn việc phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển.

Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Thụy Điển quá khoan dung đối với các nhóm mà Ankara coi là mối đe dọa đối với an ninh, bao gồm lực lượng người Kurd đối lập và các thành viên của mạng lưới mà Ankara cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính bất thành năm 2016.

Hungary cũng trì hoãn phê chuẩn đơn xin vào NATO của Thụy Điển, cáo buộc các chính trị gia ở Stockholm đã đưa ra những nhận định không chính xác về tình trạng nền dân chủ của Hungary. Hungary chưa ấn định thời điểm phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson gần đây tuyên bố 800 binh sĩ nước này sẽ được triển khai tới Latvia vào năm tới để tăng cường lực lượng gồm 2.000 binh sĩ do Canada dẫn đầu tại đây.

Phát biểu về vai trò tương lai của Thụy Điển trong khối NATO, Thủ tướng Kristersson khẳng định "việc sở hữu vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của chúng ta trong thời bình là điều hoàn toàn có thể xảy ra".

Moscow đã nhiều lần tuyên bố việc NATO tiếp tục mở rộng về phía biên giới phía tây của Nga, cũng như việc NATO không loại trừ tư cách thành viên của Ukraine trong tương lai, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc xung đột hiện nay. Nga coi NATO là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Tổng tham mưu trưởng Nga Valery Gerasimov cáo buộc phương Tây biến châu Âu thành một "đấu trường đối đầu". Ông cảnh báo việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ "có tác động tiêu cực đến tình hình ở châu Âu".

Moscow cũng tuyên bố việc cung cấp vũ khí và tài chính cho Kiev khiến các nước NATO trên thực tế trở thành bên trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine.

Theo RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm