Thụy Điển đề phòng nguy cơ xung đột quân sự với Nga
(Dân trí) - Thụy Điển đang có những động thái chuẩn bị cho khả năng một cuộc xung đột với Nga, sau khi nước này có những bước chuẩn bị nhằm đệ đơn xin gia nhập NATO.
The National News đưa tin, những ngày gần đây, người Thụy Điển đang bắt đầu chuẩn bị tinh thần cho một cuộc xung đột quân sự với Nga một khi chính phủ nước này quyết định chính thức đệ đơn xin gia nhập NATO.
Người dân thủ đô Stockholm được cho là đang tích cực tích trữ các nhu yếu phẩm cần thiết, bao gồm lương thực, nước uống, và nhiên liệu để đề phòng cho một cuộc xung đột quân sự trong tương lai không xa.
Ngoài ra, những vật dụng mang tính "sinh tồn" như các bồn chứa nước đặc biệt, radio sạc tay, hay bếp cắm trại cũng đang được nhiều người dân Thụy Điển tìm mua.
Chính phủ Thụy Điển hiện cũng đang có những bước chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Các chuyên gia nhận định rằng mối đe dọa đang được xem xét một cách nghiêm túc.
Hiện tại, chính phủ Thụy Điển đang khẩn trương nạp lại các kho nhiên liệu cho nhà máy điện và hồ chứa dầu lớn ở Vettenfall, vốn được xây dựng nhằm sử dụng trong thời gian Chiến tranh Lạnh.
Thụy Điển cũng đang lo ngại về việc Nga sẽ tấn công đảo Gotland, hòn đảo có vị trí chiến lược nằm giữa biển Baltic và chỉ cách căn cứ hải quân của Nga ở vùng Kaliningrad chỉ 250 km.
Với vị trí của mình, Gotland đóng một vai trò quan trọng trong việc cho phép các lực lượng NATO triển khai để bảo vệ Phần Lan và Thụy Điển trong trường hợp chiến sự nổ ra.
"Việc mất đảo Gotland đồng nghĩa với việc khả năng tăng cường binh sĩ của NATO đến các nước Baltic sẽ bị gián đoạn và tên lửa đất đối không của đối phương sẽ có thể đe dọa mọi hoạt động vận tải đường không tại vùng biển Baltic này", một nguồn tin thân cận với Bộ Quốc phòng Thụy Điển cho biết.
Vào tháng trước, chính phủ Thụy Điển đã thông báo về việc sẽ nâng cấp khả năng phòng thủ tại đảo Gotland với chi phí 163 triệu USD.
Khoản tiền này được dự kiến sẽ sử dụng vào việc mở rộng doanh trại trên đảo nhằm tăng khả năng đồn trú cũng như nâng cấp các hạng mục quốc phòng phục vụ phòng thủ khác. Một trung đoàn phòng thủ đảo này đã được tái thành lập vào năm 2018 và thường xuyên tuần tra quanh đảo bằng xe thiết giáp hạng nặng.
Hiện tại, Thụy Điển cũng đang trong giai đoạn đầu của công cuộc tái cơ cấu quân đội, lực lượng đã giảm từ 100.000 người xuống còn 23.000 người kể từ năm 1995.
Tuy vậy, quân đội nước này vẫn có thể tự tin với nền công nghiệp quốc phòng vô cùng hiện đại, vốn từ lâu đã được hợp tác chặt chẽ với các nền quốc phòng hàng đầu thế giới như Anh, Mỹ và Đức.
Sự hợp tác này đã cho phép Thụy Điển cùng tham gia phát triển các hệ thống như tên lửa chống tăng NLAW với Anh mà hiện đang được sử dụng rất hiệu quả tại Ukraine. Cùng với đó, các vũ khí hiện đại như máy bay chiến đấu đa năng Gripen, các hệ thống tác chiến điện tử và giám sát đường không tiên tiến, hệ thống pháo thông minh cùng radar phản pháo, tất cả đều rất hữu ích với khả năng quốc phòng của Thụy Điển và có thể là cả các đồng minh NATO trong tương lai.