Thủ tướng Hungary đến Trung Quốc, tìm lối thoát cho xung đột Ukraine
(Dân trí) - Sau Nga và Ukraine, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tiếp tục đến Trung Quốc với hy vọng tìm ra "lối thoát ngắn nhất" cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban sáng 8/7 đã đến Trung Quốc trong khuôn khổ chuyến công du "sứ mệnh hòa bình".
Nhà lãnh đạo Hungary xác nhận ông đã đặt chân đến Bắc Kinh bằng cách đăng tải ảnh chụp Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cùng các quan chức khác của Trung Quốc đón ông tại sân bay lúc rạng sáng. Bức ảnh đăng cùng với dòng bình luận: "Sứ mệnh hòa bình 3.0 Bắc Kinh".
Chuyến thăm Bắc Kinh của ông Orban diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông bất ngờ thăm Ukraine và Nga để thảo luận về sáng kiến hòa bình. Trong các chuyến thăm này, ông đã thuyết phục cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cân nhắc một lệnh ngừng bắn để bắt đầu hòa đàm.
Theo tiết lộ của ông Orban, tại Moscow, ông và Tổng thống Putin đã thảo luận về "lối thoát ngắn nhất" cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Thủ tướng Orban cho biết Tổng thống Putin đã nói với ông rằng, các cuộc đàm phán thực sự sẽ không khả thi nếu không có sự tham gia của cả hai bên.
Ông cũng cho hay, chủ nhân Điện Kremlin không quá kỳ vọng đạt được lệnh ngừng bắn với Ukraine trước khi tiến hành các cuộc đàm phán thực chất hơn.
Chuyến thăm Nga của Thủ tướng Orban đã khiến Kiev và phương Tây giận dữ. Tuy nhiên, theo ông Orban, một trong những bước quan trọng nhất để chấm dứt xung đột là "thiết lập liên lạc". Ông cũng khẳng định ông không yêu cầu sự ủy nhiệm của Liên minh châu Âu (EU) để thúc đẩy hòa bình.
Hungary, hiện giữ chức chủ tịch luân phiên EU, là một trong số ít thành viên của khối duy trì sự trung lập, từ chối gửi vũ khí cho Ukraine cũng như phản đối trừng phạt Nga.
Trung Quốc cũng duy trì quan điểm trung lập với cuộc chiến Nga - Ukraine và liên tục kêu gọi các bên ngồi vào bàn đàm phán.
Kể từ năm ngoái, Trung Quốc đã thúc đẩy một công thức hòa bình với 12 điểm, bao gồm việc chấm dứt thù địch và các biện pháp trừng phạt đơn phương, tôn trọng lẫn nhau đối với các mối quan ngại về an ninh quốc gia và chủ quyền của các quốc gia, cũng như bác bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 5 tuyên bố, Bắc Kinh sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa đàm.