Thế bất lợi của Ukraine, thời cơ cho Nga
(Dân trí) - Tinh thần nơi tiền tuyến suy giảm, khối đoàn kết ở hậu phương rạn nứt, tình thế bất ổn của Ukraine và phương Tây đang tạo thuận lợi cho Nga.
Cùng với những tiến triển chậm chạp, hay có thể nói là bế tắc kể từ khi phát động cuộc phản công hồi tháng 6, hậu phương Ukraine lẫn các nước đồng minh đang phải đối mặt với sự dao động nhất định.
Mới tuần trước, sự bất đồng giữa Tổng tư lệnh và Tham mưu trưởng của Ukraine, ông Volodymyr Zelensky và Valery Zaluzhny, bắt đầu được công khai trước truyền thông Đã có những tin đồn về tinh thần chiến đấu của những binh sĩ Ukraine nơi tiền tuyến không còn vững vàng như những ngày đầu của cuộc chiến.
Trên khắp các thủ đô những nước đồng minh châu Âu, các cuộc bầu cử đang đến gần với những khẩu hiệu tranh cử "ngừng viện trợ cho Kiev". Tại Mỹ, đảng Cộng hòa ở Thượng viện ngày 6/12 đã phản đối gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD dành cho Ukraine. Trong nỗ lực phá vỡ thế bế tắc, Tổng thống Joe Biden kêu gọi quốc hội không để mâu thuẫn đảng phái cản trở việc viện trợ cho Kiev.
Washington đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, hoặc lựa chọn ủng hộ Ukraine tiếp tục cuộc chiến vì an ninh NATO nói chung và Mỹ nói riêng, hoặc lựa chọn rút Mỹ khỏi một trong những cuộc chiến tốn kém nhất.
"Quả bóng trách nhiệm" bắt đầu bị đá qua đá lại. Trong khi Ukraine nói họ không được viện trợ đầy đủ để duy trì sức chiến đấu, các đồng minh lại cho rằng Kiev đã có chiến lược sai lầm và không chịu lắng nghe. Chưa rõ sai lầm thực sự thuộc về ai, nhưng có thể nói, người hưởng lợi nhất trong tình thế hỗn loạn này là Nga.
Về mặt quân sự, Ukraine đã không thể đạt được bước tiến như kỳ vọng ở Zaporizhia trong nhiều tháng. Họ không thể cắt đứt hành lang đất liền kết nối Nga và bán đảo Crimea trước khi mùa đông đến, tuyết rơi và làm chậm hoàn toàn tiến độ tấn công. Hy vọng lớn nhất của người Ukraine là việc tạo ra sự xoay chuyển thế trận bằng việc vượt sông Dnieper, song kế hoạch này lại quá mạo hiểm với tổn thất có thể vượt sức chịu đựng của Kiev.
Dù Nga không hoàn toàn có được ưu thế nào áp đảo trước Ukraine trên chiến trường, nhưng họ có nguồn lực dự trữ dồi dào cho cuộc chiến và có thêm lợi thế là nội bộ của Ukraine đang rạn nứt.
Trước bối cảnh này, Nga có thể bắt đầu thúc đẩy các cuộc đàm phán. Mục đích hướng tới có thể bao gồm cả việc thuyết phục phương Tây rằng họ không còn niềm tin vào một chiến thắng dành cho Ukraine. Từ đây, các gói viện trợ sẽ ngày một thu nhỏ lại và Ukraine sẽ ngày càng đơn độc trên chiến trường.
Trước sức ép nặng nề về mặt tinh thần, các đồng minh châu Âu sẽ sớm phải đưa ra lựa chọn, đồng thời phải cân bằng giữa an ninh bên ngoài và ổn định bên trong.
Theo giới chuyên gia, đầu tiên, phương Tây cần nhanh chóng trang bị đầy đủ vũ khí phục vụ cho cuộc chiến của Ukraine. Thứ hai, dù các cuộc đàm phán với Moscow được xúc tiến, phương Tây cần đảm bảo không có thỏa thuận hòa bình nào cho phép Nga duy trì hành lang đất liền xuyên đông nam Ukraine.
Cuối cùng, và cũng là quan trọng nhất trong tình cảnh khó khăn hiện tại là châu Âu cần giữ vững tâm thế chiến đấu. Những dao động nhỏ nhất trong quá trình hoạch định chiến lược lâu dài của họ đều có thể trở thành điểm yếu để đối phương có thể khai thác và dẫn tới hậu quả không hề dễ chịu.