1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Sự mở lòng hiếm có của ông Kim Jong-un khi lần đầu trả lời phóng viên nước ngoài

(Dân trí) - Phóng viên Mỹ đã chớp thời cơ để đặt câu hỏi cho Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump tại Hà Nội và đây là sự việc chưa từng có tiền lệ.

Sự mở lòng hiếm có của ông Kim Jong-un khi lần đầu trả lời phóng viên nước ngoài - 1

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un ăn tối tại Việt Nam. (Ảnh: Reuters)

Sáng 28/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã bắt đầu ngày thượng đỉnh thứ hai tại Hà Nội. Trước khi bước vào phòng họp riêng, hai nhà lãnh đạo đã dành thời gian để trả lời phỏng vấn báo chí.

Trong một động thái gây bất ngờ, Chủ tịch Kim Jong-un lần đầu tiên chấp nhận trả lời câu hỏi của một phóng viên phương Tây. Người có may mắn này là David Nakamura, phóng viên của báo Washington Post (Mỹ).

“Tôi không chắc điều gì đã thôi thúc ông Kim Jong-un trả lời câu hỏi của tôi. Có lẽ ông ấy, một nhà lãnh đạo Triều Tiên từng sống khép kín, đã sẵn sàng tiến thêm một bước đi thăm dò nữa trên vũ đài quốc tế. Có lẽ ông ấy đang tìm cách chứng tỏ cho Tổng thống Trump thấy rằng ông ấy không hề e ngại. Hoặc cũng có thể do tôi đã giơ ngón tay lên để ra dấu hiệu cho ông ấy”, Nakamura kể lại.

Theo chia sẻ của Nakamura, hành động đặt câu hỏi của ông dành cho Chủ tịch Kim Jong-un là ngẫu nhiên và không có sự chuẩn bị từ trước. Lúc đó, ông chỉ muốn thu hẹp khoảng cách về ngôn ngữ với nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên, người mới chỉ ngoài 30 tuổi và chưa bao giờ trả lời bất kỳ câu hỏi nào từ phóng viên nước ngoài.

““Chủ tịch Kim, ngài có tự tin không?”, tôi đặt câu hỏi. Ông ấy nhìn tôi. Ông Trump, người ngồi đối diện trên một chiếc bàn nhỏ hình tròn, đã ngừng nói. Khi đó tôi đang đứng cùng một nhóm nhỏ các phóng viên Mỹ và Triều Tiên phía sau một sợi dây, quan sát màn chụp ảnh giữa hai nhà lãnh đạo trước khi họ bắt đầu hội nghị thượng đỉnh về hạt nhân hôm 28/2”, Nakamura hồi tưởng.

“Chúng tôi nhìn vào mắt nhau. Tôi giơ ngón tay cái lên. “Ông có cảm thấy ổn để đạt một thỏa thuận không?” Tôi hỏi”, Nakamura nhớ lại khoảnh khắc đặt câu hỏi cho ông Kim Jong-un.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã quay đầu về phía phiên dịch viên ngồi ngay sau lưng ông. Phiên dịch viên dịch câu hỏi của Nakamura cho ông Kim Jong-un trước khi ông bắt đầu trả lời bằng tiếng Triều Tiên.

“Tôi nghĩ vẫn còn quá sớm để nói về điều này, nhưng tôi không nói rằng tôi bi quan. Từ những gì tôi cảm nhận ngay lúc này, tôi có cảm giác những kết quả tốt đẹp sẽ tới”, phiên dịch viên nói, thuật lại lời của nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Là một thành viên trong đoàn báo chí Nhà Trắng gồm 13 người, Nakamura chịu trách nhiệm ghi chép nội dung các cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim cho hàng trăm phóng viên ở Hà Nội và hàng nghìn người khác ở Washington cũng như trên toàn thế giới. Đối với Nakamura, đây là một công việc tuyệt vời, song cũng đặt ra nhiều thách thức.

Việc đưa tin về tổng thống có thể gặp nhiều khó khăn. Các trợ lý của ông chủ Nhà Trắng luôn kiểm soát chặt chẽ, những màn chụp ảnh cũng được lên kế hoạch kỹ lưỡng và việc tiếp cận với tổng thống luôn bị hạn chế. Đó là chưa kể tới việc Tổng thống Trump là một người khó đoán, còn Chủ tịch Kim cũng luôn thể hiện mình là chính khách ngang hàng với nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới.

Cơ hội hiếm hoi

65ffd427526c4a508476e5b7fdd91886.jpg

Phóng viên David Nakamura (trái) dự họp báo của Tổng thống Trump tại Hà Nội. (Ảnh: CGTN)

 

Trong cuộc gặp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái và tại bữa tối đầu tiên ở Hà Nội, Chủ tịch Kim chủ yếu giữ im lặng dù sự hiện diện hiếm hoi của ông ở bên ngoài lãnh thổ Triều Tiên luôn là đề tài gây chú ý. Ông Kim Jong-un phát biểu ngắn gọn trong lúc chụp ảnh tại khách sạn Metropole, song nhà lãnh đạo Triều Tiên không trả lời các câu hỏi.

Sau khi hai phóng viên hô lớn câu hỏi về phía Tổng thống Trump hôm 28/2, các trợ lý Nhà Trắng đã tìm cách ngăn cản các phóng viên Mỹ tham dự màn chụp ảnh thứ hai của hai nhà lãnh đạo. Thay vào đó, họ chỉ cho phép các phóng viên chụp ảnh và quay phim lúc bắt đầu bữa tiệc tối.  

Một số phóng viên đã lên tiếng phản đối, buộc các trợ lý Nhà Trắng phải nhượng bộ và cho phép một phóng viên vào trong phòng nơi diễn ra bữa tối của hai nhà lãnh đạo.

Có thông tin đồn đoán rằng Chủ tịch Kim Jong-un đã đề nghị Tổng thống Trump buộc các phóng viên phải ở ngoài do ông Kim không cảm thấy thoải mái với việc phóng viên lớn tiếng đặt câu hỏi cho lãnh đạo - điều chưa từng xảy ra ở Triều Tiên.

Khi các phóng viên đứng chờ mật vụ Mỹ kiểm tra an ninh trước lúc hai nhà lãnh đạo tới họp thượng đỉnh ở Metropole, họ đã thảo luận một chiến lược để có thể khiến Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim trả lời các câu hỏi do họ đặt ra.

Tuy nhiên, không ai biết ông Kim Jong-un sẽ phát biểu gì và liệu ông ấy có phát biểu hay không.

Nakamura cũng đặt hy vọng vào 8 phóng viên Triều Tiên mặc áo vest đen đi cùng nhóm phóng viên nước ngoài. Nhóm người này đều đeo một huy hiệu in hình cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il trước ngực.

Các phóng viên Mỹ đã cảnh báo Nakamura rằng an ninh Triều Tiên rất cứng rắn. Tuy nhiên, những gì Nakamura cảm nhận khi đi qua khu vực kiểm tra an ninh cho thấy họ không hề đáng sợ.

Sau khi mật vụ Mỹ hoàn tất khâu kiểm tra an ninh, các phóng viên được dẫn tới nhà hàng để đợi hai nhà lãnh đạo. Sau đó, họ được đưa tới căn phòng nơi ông Trump và ông Kim nhóm họp.

“Tôi đứng ở bên phía ông Kim Jong-un trong phòng. Tôi đứng sát sợi dây ở khoảng cách gần nhất có thể, tuy nhiên một phóng viên Triều Tiên đã nhắc tôi cẩn thận để không làm ảnh hưởng tới camera mà anh ấy đang đặt trên chân máy. Tôi tập trung ánh nhìn vào ông Kim Jong-un và khi ông Trump dừng trả lời câu hỏi của một phóng viên khác, tôi đã chớp lấy cơ hội”, Nakamura nhớ lại.

Thành Đạt

Theo Washington Post