1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thắng lợi của ông Kim Jong-un sau thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam

(Dân trí) - Mặc dù Mỹ và Triều Tiên không đạt được thỏa thuận sau hai ngày thượng đỉnh, song Chủ tịch Kim Jong-un vẫn giành được những thắng lợi nhất định về mặt ngoại giao.

Thắng lợi của ông Kim Jong-un sau thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam - 1

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Việt Nam bằng tàu hỏa. (Ảnh: Reuters)

Khi Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump ngồi đối mặt với nhau trên bàn đàm phán tại Hà Nội, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tự tin nói với các phóng viên rằng ông có linh cảm hai bên sẽ kết thúc hội nghị thượng đỉnh lần hai bằng một thỏa thuận nào đó.

Linh cảm của ông Kim Jong-un rốt cuộc đã không chính xác. Chỉ vài giờ sau đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã nhanh chóng rời khỏi khách sạn ở Hà Nội và không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào với Tổng thống Trump.

Việc phán đoán những suy tính của Chủ tịch Kim trong một cuộc đàm phán chưa bao giờ là điều dễ dàng và kết quả của hai ngày thượng đỉnh với Tổng thống Trump dường như chưa đạt được kỳ vọng của nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Ông Kim Jong-un tới Hà Nội với mong muốn được Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt, song ông Trump tuyên bố không thể chấp thuận phương án này. Trước khi các cuộc đàm phán đổ vỡ hôm 28/2, ông Kim Jong-un thậm chí đã tiến rất gần tới mục tiêu mà cả hai thế hệ lãnh đạo Triều Tiên trước đó chưa làm được, đó là một tuyên bố của tổng thống Mỹ về việc kết thúc chiến tranh Triều Tiên.

Tuy vậy, theo AP, nhà lãnh đạo Kim Jong-un không ra về “tay trắng” sau cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Trump.

Ông Kim Jong-un có lẽ đã đặt cược quá lớn vào việc đề nghị Mỹ dỡ bỏ trừng phạt Triều Tiên và không đạt được kết quả như kỳ vọng. Tuy vậy, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã cho thấy rằng ông là người có thể “chơi rắn” và Tổng thống Trump có lẽ sẽ phải ghi nhận điều này ở Chủ tịch Kim.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã rời khỏi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai với tính chính danh nhiều hơn so với trước đây, khi ông thuyết phục Tổng thống Trump, nhân vật quyền lực nhất thế giới, tới châu Á lần thứ hai trong vòng chưa đầy 9 tháng.

Ngay cả khi tuyên bố đàm phán không đạt được thỏa thuận, Tổng thống Trump vẫn tiếp tục khen ngợi nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông chủ Nhà Trắng còn nhấn mạnh rằng hội nghị thượng đỉnh lần này nhìn chung diễn ra thân thiện và mang tính xây dựng.

Điều quan trọng nhất đó là, Tổng thống Trump vẫn để ngỏ cánh cửa cho các cuộc đàm phán tiếp theo với Triều Tiên. Chủ tịch Kim Jong-un có thể tận dụng cơ hội này.

Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần một tại Singapore, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đạt được những bước tiến lớn khi khiến cho Hàn Quốc và Trung Quốc nhẹ tay hơn với các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên. Ông Kim Jong-un được kỳ vọng sẽ tiếp tục tìm cách đẩy Seoul và Bắc Kinh rời xa hơn nữa chính sách gây sức ép tối đa của Washington.

Thắng lợi của ông Kim Jong-un sau thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam - 2

Phái đoàn Mỹ - Triều họp mở rộng tại Hà Nội. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Trump từng nói rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cam kết sẽ duy trì việc dừng các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân. Do vậy, việc hai nhà lãnh đạo không đạt được thỏa thuận tại Hà Nội cũng không đồng nghĩa với việc các bên sẽ quay trở lại tình trạng khủng hoảng như trước kia.

Trong suốt tiến trình diễn ra đàm phán Mỹ - Triều, truyền thông nhà nước Triều Tiên cho đến nay vẫn rất cẩn trọng trong việc không công kích Tổng thống Trump. Sau hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội, truyền thông Triều Tiên vẫn đưa tin tích cực về sự kiện này dù hai nhà lãnh đạo không đạt được thỏa thuận.

Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao Động Triều Tiên, đã đăng một bài viết dài cùng với 13 bức ảnh của Chủ tịch Kim, Tổng thống Trump và phái đoàn đàm phán hai bên tươi cười và thân thiện.

Xây dựng hình ảnh

Dù có chủ ý hay không, Tổng thống Trump đã nhiều lần giúp cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un xây dựng hình ảnh trên vũ đài chính trị quốc tế.

Trong cuộc họp báo tại Hà Nội, Tổng thống Trump nhắc lại một trong những luận điểm then chốt của Chủ tịch Kim rằng, các cuộc tập trận quân sự của Mỹ - Hàn quá tốn kém và không thực sự cần thiết. Mỹ hiện duy trì gần 30.000 quân tại Hàn Quốc và các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn từ lâu đã khiến Triều Tiên “nóng mặt” vì coi đây là động thái chuẩn bị cho kịch bản xâm lược.

Tổng thống Trump chưa kêu gọi chấm dứt hoàn toàn các cuộc tập trận, tuy nhiên ít nhất ông đã lắng nghe những lời than phiền của ông Kim Jong-un về vấn đề này.

Ngay cả khi các cuộc đàm phán với Mỹ không đạt kết quả, Chủ tịch Kim Jong-un vẫn xóa đi hình ảnh một chiều mà thế giới vẫn nhìn nhận về các nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Tại Hà Nội, ông Kim Jong-un thể hiện sự thân thiện và ngoại giao khi tiếp xúc với Tổng thống Trump. Tương tự như ở Singapore năm ngoái, ông Kim năm nay vẫn cho thấy một gương mặt gần gũi trước truyền thông. Nhà lãnh đạo Triều Tiên có lúc nghiêm nghị, có lúc mỉm cười, nhưng luôn thể hiện sự tự tin và tôn trọng trong các cuộc đàm phán với người đồng cấp lớn tuổi hơn.

Mặc dù vẫn có phiên dịch viên bên cạnh, song ông Kim Jong-un đã nói tiếng Anh khi chào ông Trump. Thậm chí, lần đầu tiên trong lịch sử, ông Kim còn trả lời các câu hỏi phỏng vấn của các nhà báo phương Tây.

Sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc, ông Kim Jong-un chưa vội vàng rời khỏi Hà Nội. Ông vẫn ở lại đây và thực hiện chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. Đây là cơ hội để ông chứng tỏ với cả người dân trong nước và cộng đồng quốc tế rằng, cuộc gặp với Tổng thống Trump chỉ là một phần trong chuyến công du có quy mô lớn hơn với nhiều mục tiêu hơn của ông.

Thành Đạt

Tổng hợp