Chuyên gia giải mã việc Triều Tiên bất ngờ cảnh báo ngừng đàm phán hạt nhân với Mỹ
(Dân trí) - Giới chuyên gia cho rằng, Triều Tiên muốn gửi đi một thông điệp sâu xa khi bất ngờ tuyên bố cân nhắc chấm dứt các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ sau hội nghị thượng đỉnh lần hai không đạt được thỏa thuận.
Tại cuộc họp báo ngày 15/3, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui cho biết, Chủ tịch Kim Jong-un rất "thất vọng" vì hội nghị thượng đỉnh lần hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi cuối tháng 2 không đạt được thỏa thuận. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng bày tỏ hoài nghi sâu sắc về ý nghĩa của những cuộc đàm phán trong tương lai với Tổng thống Trump.
"Chúng tôi không có ý định nhượng bộ những yêu cầu của Mỹ (được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội) dưới bất kỳ hình thức nào. Chúng tôi cũng không sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán theo hướng này”, Thứ trưởng Choe nói.
Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui cũng nói rằng, trong khi Tổng thống Trump sẵn sàng đàm phán, Ngoại trưởng Pompeo và Cố vấn An ninh John Bolton đã tạo ra “bầu không khí thù địch và ngờ vực” khiến các cuộc đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo không đạt được kết quả như mong muốn.
Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui (Ảnh: Reuters)
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi giới chức Mỹ và Triều Tiên đều khẳng định sẵn sàng nối lại các cuộc đối thoại hạt nhân bất chấp hội nghị thượng đỉnh lần hai không đạt được thỏa thuận.
Bình luận về động thái này của Triều Tiên, ông Simone Chun, chuyên gia phân tích tại Viện nghiên cứu chính sách Hàn Quốc, cho biết với Sputnik: “Tôi cho rằng Triều Tiên đang tìm cách gây sức ép và đáp lại quan điểm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, những người có quan điểm cứng rắn với Triều Tiên”.
Chuyên gia Chun nhận định thêm: “Theo tôi, những gì đang xảy ra cho thấy Triều Tiên đang cố gây sức ép để Mỹ quay trở lại đàm phán. Mặt khác, Triều Tiên vốn có xu hướng đáp trả hành động bằng hành động. Họ có thể nối lại các vụ thử (tên lửa, hạt nhân), điều này có thể khiến tình hình căng thẳng trở lại. Song tôi nghĩ vấn đề ở đây là Triều Tiên đang phản ứng lại quan điểm cứng rắn từ phía Mỹ và cố gắng đưa hai bên trở lại đàm phán ngoại giao”.
Trong khi đó theo chuyên gia Chun, Hàn Quốc - cầu nối đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên - “đang ở một thế khó” khi các cuộc đàm phán Mỹ - Triều không đạt được tiến triển như mong muốn về giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Kết quả khảo sát mới đây của tổ chức Realmeter cho thấy, tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã giảm mạnh sau hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim hồi cuối tháng 2. Hiện tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Moon chỉ ở mức 45%, thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 5/2017.
“Hàn Quốc muốn Mỹ linh hoạt hơn với Tổng thống Moon, đặc biệt là với những tầm nhìn, kế hoạch của Tổng thống Moon về hợp tác, giao lưu kinh tế liên Triều. Đổi lại, Hàn Quốc nói rằng, nếu Mỹ không sẵn sàng dỡ trừng phạt kinh tế với Triều Tiên, Mỹ nên ủng hộ vai trò của Hàn Quốc trong các hoạt động hợp tác, giao lưu kinh tế liên Triều. Vì vậy Hàn Quốc đang ở thế khó xử. Tôi nghĩ là nhiều chuyên gia vẫn tin rằng cần thiết phải có hội nghị thượng đỉnh 3 bên Mỹ - Hàn - Triều”. Ông Chun nhấn mạnh, quá trình giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cần “sự hợp tác cực lớn”.
Minh Phương
Theo Sputnik