1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Séc: Ukraine cần chấp nhận khả năng Nga kiểm soát một phần lãnh thổ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tổng thống Séc Petr Pavel tin rằng Kiev cần chấp nhận khả năng Nga tạm thời kiểm soát một phần lãnh thổ của Ukraine sau khi cuộc chiến khép lại.

Séc: Ukraine cần chấp nhận khả năng Nga kiểm soát một phần lãnh thổ - 1

Tổng thống Séc Petr Pavel (Ảnh: Reuters).

Trả lời phỏng vấn New York Times, Tổng thống Séc cho rằng Ukraine "nên thực tế" về triển vọng giành lại các vùng lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát.

"Kết quả có khả năng xảy ra nhất của cuộc chiến là một phần lãnh thổ Ukraine sẽ nằm dưới sự kiểm soát tạm thời của Nga", ông Pavel cho biết và nói thêm rằng tình trạng "tạm thời" này có thể kéo dài trong nhiều năm.

Theo ông, với tình hình hiện tại, việc hướng tới mục tiêu Nga hoặc Ukraine thất bại sẽ bất khả thi, vì vậy cái kết hợp lý nhất "sẽ nằm đâu đó ở giữa".

Ông Pavel tin rằng một động thái "thỏa hiệp" tạm thời về lãnh thổ Ukraine mà Nga đang kiểm soát là có thể chấp nhận được nếu nó cho phép cuộc chiến chấm dứt.

Cả Nga và Ukraine chưa bình luận về phát biểu này.

Sau hơn 2 năm kể từ khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ Ukraine, trong đó có bán đảo Crimea.

Chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần tuyên bố vẫn để ngỏ đàm phán với Nga, nhưng khẳng định không nhượng lãnh thổ để đổi lấy hòa bình.

Ông Zelensky hồi tháng 7 nói: "Ukraine sẽ không bao giờ từ bỏ lãnh thổ của mình. Chính quyền không có quyền để trao lãnh thổ của họ. Bởi vì điều này vi phạm Hiến pháp Ukraine".

"Tôi sẽ thành thật: đây không phải là giải pháp tốt nhất vì chúng ta đang đối phó với Nga. Việc giành được một số vùng lãnh thổ của chúng tôi chắc chắn sẽ là một chiến thắng cho họ. Tuy nhiên, sau một thời gian, nếu xung đột đóng băng, họ có thể quay lại và tiếp tục hành động như vậy. Vì vậy, đây là một câu hỏi khá khó", nhà lãnh đạo Ukraine nói thêm.

Khi đó, ông cũng thừa nhận không phải tất cả các vùng lãnh thổ đều phải giành lại bằng sức người hoặc bằng vũ khí, mà có thể bằng con đường ngoại giao. Ông cho biết, đây là lý do ông tạo ra công thức hòa bình để sử dụng áp lực chính trị từ toàn thế giới chống lại Nga.

Theo ông Zelensky, để Ukraine nhượng lãnh thổ, người dân Ukraine phải thể hiện mong muốn điều này thông qua trưng cầu dân ý. Tổng thống Zelensky nhấn mạnh rằng ông không thể đáp lại lời kêu gọi ngừng bắn, trong khi Nga vẫn tiếp tục kiểm soát các vùng lãnh thổ của Ukraine.

Trong khi đó, Điện Kremlin hồi cuối tháng 7 tuyên bố không bác bỏ bất kỳ phương án nào giải quyết xung đột Ukraine, bao gồm cả khả năng Kiev chấp nhận nhượng lãnh thổ. 

Cuối năm 2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra công thức hòa bình gồm 10 điểm để đi đến chấm dứt xung đột với Nga. Trong số các điểm của công thức hòa bình này có yêu cầu Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine và bồi thường cho chiến tranh cho Kiev.

Moscow coi các điều kiện này của Kiev là phi thực tế. Giới chức Nga nhiều lần tuyên bố luôn để ngỏ đàm phán với Ukraine để chấm dứt xung đột, nhưng với điều kiện phải dựa trên tình hình thực tế, xét đến các lợi ích an ninh của Nga.

Theo UP
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine