Rủi ro lớn của Ukraine sau khi nhận xe tăng, lá chắn phòng không từ Mỹ
(Dân trí) - Mỹ chuyển hàng loạt vũ khí hiện đại cho Ukraine nhưng không có bất cứ kế hoạch nào để sửa chữa và bảo trì chúng, diễn biến có thể đặt Ukraine vào thế khó để vận hành lâu dài.
Tổng thanh tra Lầu Năm Góc Robert P. Storch thừa nhận Mỹ không có kế hoạch toàn diện nhằm bảo trì, bảo dưỡng hoặc sửa chữa xe tăng, xe bọc thép và hệ thống phòng không mà Washington đã cung cấp cho quân đội Ukraine.
Ông cảnh báo điều này có thể gây ra rủi ro "cho khả năng chiến đấu hiệu quả của Ukraine khi sử dụng thiết bị do Mỹ cung cấp, cũng như sự sẵn sàng của Bộ Quốc phòng trong việc giải quyết các mối đe dọa an ninh quốc gia khác nếu cần".
Trong 2 báo cáo được công bố hồi đầu tuần, ông Storch tiết lộ rằng Mỹ đã chuyển giao 186 xe chiến đấu bộ binh Bradley và 189 xe chiến đấu bộ binh Stryker (IFV), 31 xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams và một số hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine.
Theo các thanh tra, Bộ Quốc phòng Mỹ đã không có kế hoạch toàn diện để bảo trì bất cứ vũ khí nào trong số đó.
Ngoài ra, theo báo cáo, tất cả các hệ thống vũ khí đều được lấy từ kho của quân đội Mỹ một cách "không có giới hạn".
Một quan chức nói với các thanh tra viên rằng nếu tình trạng này tiếp tục, Bộ Quốc phòng Mỹ có thể bị đặt vào thế phải chọn giữa việc hy sinh mức độ sẵn sàng tác chiến của quân đội Washington để gia tăng năng lực của lực lượng Ukraine.
Tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ đang gặp khó khăn trong việc sản xuất thay thế các hệ thống vũ khí được gửi đến Ukraine do thiếu linh kiện, thiếu dây chuyền sản xuất hoặc nhân sự được đào tạo.
Báo cáo cho biết, ưu tiên của Mỹ trong thời gian qua là gửi vũ khí cho Ukraine càng nhanh càng tốt, các vấn đề khác liên quan tới kế hoạch bảo trì vì thế đã chưa nhận được sự chú ý đầy đủ.
Một quan chức làm việc tại Bộ Tư lệnh Châu Âu của Mỹ cảnh báo với các thanh tra viên rằng "mô hình hiện tại sẽ không bền vững hoặc hiệu quả về lâu dài".
Ông Storch kết luận: "Bộ Quốc phòng đã cung cấp cho Ukraine xe bọc thép và hệ thống phòng không mà không có kế hoạch đảm bảo chúng có thể sử dụng trong lâu dài".
"Mặc dù Bộ Quốc phòng đang nỗ lực phát triển một kế hoạch như vậy nhưng việc thiếu tầm nhìn xa trong vấn đề này là điều đáng lo ngại", ông nói.
Theo báo cáo của ông Storch, quân đội Mỹ đã gửi "các phụ tùng thay thế, đạn dược và hỗ trợ bảo trì có giới hạn" và "không điều phối hoặc điều chỉnh những nỗ lực đó thành một kế hoạch toàn diện".
Những thứ được gửi đi bao gồm một số vật tư và phụ tùng thay thế để bảo trì tại hiện trường, cũng như các bộ phận dựa trên kinh nghiệm của Mỹ khi vận hành các hệ thống vũ khí ở Iraq, Afghanistan và Syria.
Trước đó, các chuyên gia quân sự cảnh báo Ukraine có thể đối mặt với "cơn ác mộng hậu cần" khi nhận quá nhiều loại vũ khí từ phương Tây. Với mỗi vũ khí đặc thù sẽ kéo theo hàng loạt quy trình bảo trì, bảo dưỡng, vật tư, nguồn nhân lực khác nhau và Ukraine sẽ không thể thực hiện được mà thiếu sự hỗ trợ từ phía các đồng minh.
Ví dụ, Ukraine đang gặp khó khăn khi thiếu hàng loạt linh kiện để sửa những xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất mà phương Tây viện trợ. Điều này dẫn tới thực trạng là phần lớn những xe tăng hiện đại của Ukraine đang trong tình trạng không thể tác chiến.