1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

NATO nêu vấn đề nan giải khi viện trợ F-16 cho Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh rất muốn chuyển F-16 tới cho Ukraine thật nhanh chóng, nhưng có nhiều yếu tố tác động tới việc này.

NATO nêu vấn đề nan giải khi viện trợ F-16 cho Ukraine - 1

Tiêm kích F-16 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ).

Tổng thư ký Stoltenberg ngày 20/2 thừa nhận rằng liên minh vẫn chưa rõ khi nào Ukraine sẽ nhận được máy bay chiến đấu F-16 mà Kiev đã chờ đợi từ lâu.

Ông đồng thời cho biết các đồng minh phương Tây đang nỗ lực để giúp các phi công của Kiev bắt kịp tốc độ sử dụng máy bay hiện đại.

"Không thể nói chính xác khi nào (F-16 sẽ được chuyển giao) vì đó là một vấn đề nan giải. Tất cả chúng tôi đều muốn F-16 được chuyển tới Ukraine càng sớm càng tốt", ông cho biết.

"Tuy nhiên, F-16 sẽ tạo ra tác động mạnh mẽ hơn tới cục diện chiến trường nếu Ukraine có thêm các phi công được huấn luyện tốt hơn. Và không chỉ là vấn đề phi công, nó còn là vấn đề về bảo trì, nhân lực vận hành và hệ thống hỗ trợ phải sẵn sàng", ông giải thích.

Một liên minh gồm các thành viên NATO đang thực hiện các chương trình huấn luyện phi công Ukraine lái  F-16 diễn ra tại Mỹ, Vương quốc Anh, Đan Mạch và Romania.

Người phát ngôn của Lực lượng Không quân Ukraine, ông Yurii Ihnat, cho biết hồi tháng 1 rằng các phi công trong chương trình "đã điều khiển F-16 bay trên bầu trời cùng với người hướng dẫn".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã nói rằng các máy bay chiến đấu sẽ sẵn sàng chiến đấu chống lại Nga vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, ông Stoltenberg thừa nhận rằng liên minh NATO sẽ phải "lắng nghe các chuyên gia quân sự để biết chính xác khi nào chúng tôi sẽ sẵn sàng hoặc khi nào các đồng minh sẽ sẵn sàng bắt đầu bàn giao F-16 cho Ukraine".

Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy đều cam kết cung cấp F-16 cho Lực lượng vũ trang Ukraine và một số đồng minh khác hỗ trợ nỗ lực đào tạo phi công.

Một phi công Ukraine, người có biệt danh là Phantom, cho biết anh "rất ấn tượng" về chiếc máy bay này và việc chuẩn bị đưa các máy bay chiến đấu tham chiến đang "diễn ra như kế hoạch".

"Chiếc máy bay này đơn giản là đã vượt quá sự mong đợi của các phi công Ukraine. Họ nhìn thấy triển vọng và tiềm năng to lớn về việc chiếc máy bay này sẽ giúp Lực lượng Không quân Ukraine tăng cường khả năng chiến đấu trên không", anh cho biết.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã bác bỏ tuyên bố rằng F-16 sẽ có nhiều tác động đến cuộc chiến ở Ukraine. Nga cũng cảnh báo sẽ bắn rơi các máy bay phương Tây viện trợ cho Kiev.

Trong khi đó, Viktor Bondarev, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang Nga, hồi năm ngoái cho rằng các máy bay chiến đấu F-16 sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga nếu chúng được cung cấp cho Ukraine, vì hầu hết các cuộc giao tranh đều diễn ra trên mặt đất.

Theo ông Bondarev, cơ sở hạ tầng của Ukraine "không hoàn toàn phù hợp" để vận hành F-16, vì một số lượng lớn các sân bay, nơi các máy bay chiến đấu này có thể cất cánh, đã ngừng hoạt động.

Ngoài ra, ông cho rằng, khóa đào tạo cơ bản tiêu chuẩn cho phi công F-16 kéo dài 9 tháng, bao gồm hơn 300 giờ huấn luyện lý thuyết và hơn 670 giờ huấn luyện mô phỏng.

Sau đó, học viên phải thực hiện 130 lần xuất kích, thực hành sử dụng tên lửa và bom. Vì vậy, để có thể vận hành F-16, Ukraine có thể sẽ phải mất rất nhiều thời gian.

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine