(Dân trí) - Các xe bọc thép từ Mỹ, Đức và Pháp lần đầu tiên được chuyển tới Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự được cho là sẽ cung cấp cho Kiev sức mạnh hỏa lực, bất chấp cảnh báo của Moscow.
PHƯƠNG TÂY TỪNG BƯỚC VƯỢT QUA LẰN RANH CẤM KỴ KHI "BƠM" VŨ KHÍ CHO UKRAINE
Các phương tiện bọc thép từ Mỹ, Đức và Pháp lần đầu tiên được chuyển tới Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự được cho là sẽ cung cấp cho Kiev sức mạnh hỏa lực và khả năng chiến đấu trên bộ đáng kể, bất chấp cảnh báo của Moscow.
Trong thông cáo báo chí chung hôm 5/1, Nhà Trắng thông báo Mỹ dự định cung cấp cho Ukraine xe chiến đấu bộ binh Bradley, trong khi Đức cũng tiết lộ kế hoạch gửi xe chiến đấu bộ binh Marder. Các lực lượng Ukraine sẽ được cả Mỹ và Đức huấn luyện cách sử dụng các xe chiến đấu bộ binh, những khí tài có khả năng đưa quân vào chiến trường và hỗ trợ hỏa lực.
Thông báo từ Mỹ và Đức được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông đã nói chuyện với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã quyết định "chuyển giao xe tăng hạng nhẹ và xe bọc thép chở quân Bastion" cho Kiev. Ông Zelensky không nói rõ ông đang đề cập đến loại xe hạng nhẹ nào, trong khi chính trị gia Pháp Benjamin Haddad sau đó xác nhận đó là xe chiến đấu bọc thép AMX-10 RC. Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố quyết định của Tổng thống Macron sẽ đưa Ukraine đến gần hơn với chiến thắng, nhất là khi AMX-10 RC sẽ phối hợp cùng các xe chiến đấu bộ binh của Mỹ và Đức.
Phản ứng về việc phương Tây thông báo hỗ trợ khí tài mới, Ngoại trưởng Ukraine tuyên bố: "Thời kỳ của những điều cấm kỵ vũ khí đã qua".
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 6/1 đã công bố gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 3 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm xe chiến đấu Bradley, phương tiện mà các quan chức Mỹ cho rằng sẽ đặc biệt hữu ích cho các đơn vị Ukraine chiến đấu với lực lượng Nga ở vùng Donbass. Chính quyền Mỹ cho biết nước này sẽ gửi 50 chiếc Bradley, trong khi Đức thông báo sẽ cung cấp 40 chiếc Marder.
Chính phủ liên minh của Đức do Thủ tướng Olaf Scholz lãnh đạo từ trước đến nay vẫn đặc biệt cẩn trọng khi vạch ra ranh giới giữa vũ khí phòng thủ như pháo phòng không Gepard với các loại vũ khí có thể được sử dụng để tấn công như xe chiến đấu bộ binh Marder và xe tăng Leopard. Đức khẳng định rằng họ không phải là nước thành viên NATO đầu tiên cung cấp các vũ khí này cho Ukraine.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng có lập trường tương tự, nhưng thầm lặng hơn. Tuy nhiên, sau cuộc thảo luận với Tổng thống Ukraine hôm 4/1, Tổng thống Macron bất ngờ tuyên bố Pháp sẽ cung cấp AMX-10 cho Kiev. Một nhà ngoại giao NATO cho biết Pháp, Đức và Mỹ đã thảo luận về việc cung cấp cho Ukraine các phương tiện chiến đấu bộ binh, bao gồm Bradley và Marder, nhưng Tổng thống Macron đi trước một bước và thông báo quyết định của Pháp.
Ngày 5/1, sau cuộc trao đổi giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Scholz, Đức cho biết hai nước đã tham vấn ý kiến và thông báo quyết định về việc cung cấp Bradley và Marder, đáp ứng điều kiện của Đức rằng họ không phải là nước đầu tiên cung cấp một loại vũ khí mới của phương Tây cho Ukraine.
Đức cũng thông báo nước này sẽ cung cấp một khẩu đội tên lửa Patriot cho Ukraine ngoài khẩu đội mà họ đang cung cấp cho Ba Lan, trong khi ban đầu Berlin từ chối cung cấp trực tiếp vũ khí này cho Kiev. Động thái này đánh dấu một điều cấm kỵ nữa đã bị phá vỡ trong việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine.
"Đó là một bước tiến nữa đối với Đức, nước vẫn đang tiến từng bước một kể từ ngày 24/2 (thời điểm Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine). Ukraine đã yêu cầu những vũ khí này từ tháng 4, nhưng đối với Đức đó là một điều cấm kỵ (do Đức) tự áp đặt. Ở Berlin, chúng tôi tiếp tục có những cuộc tranh luận khá vô lý này, vũ khí tấn công hay phòng thủ, nhẹ hay nặng, hiện đại hay cũ, và sau đó vài tháng, chúng tôi lại thay đổi đường lối của mình", Ulrike Franke, một chuyên gia quốc phòng người Đức tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho biết.
Phương Tây bớt e ngại Nga?
Những khí tài mới dường như đánh dấu sự thay đổi chính sách ở Mỹ, Pháp và Đức khi cung cấp các vũ khí mang tính sát thương cao hơn cho bộ binh Ukraine. Điều này cho thấy phương Tây dường như đã giảm bớt sự lo ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng với Nga, đồng thời hướng tới những chiến thắng quyết định hơn của Ukraine trong năm 2023.
"Quyết định do 3 nước (Mỹ, Đức, Pháp) đưa ra đã nhấn mạnh sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine trước các cuộc tấn công tiềm tàng trong những tháng tới. Điều này cũng gửi tín hiệu tới Moscow rằng các cuộc đàm phán hòa bình chưa thể sớm diễn ra", Ulrich Speck, một nhà phân tích chính sách đối ngoại người Đức, cho biết.
Theo chuyên gia Speck, quyết định được đưa ra gần như cùng một lúc của Mỹ, Đức và Pháp cũng phản ánh "sự thay đổi thái độ" ở các nước phương Tây, đồng thời cho thấy sự lo ngại của phương Tây đã giảm bớt khi họ nhận ra rằng "một nước Nga đang suy yếu ít có khả năng hoặc không sẵn sàng leo thang căng thẳng".
Xe chiến đấu bộ binh AMX-10 của Pháp, Marder của Đức và M2 Bradley của Mỹ sẽ tham gia chiến đấu sau khi hai cuộc phản công thành công của Ukraine đã đẩy lùi lực lượng Nga khỏi vùng đông bắc và khu vực phía nam nước này. Phương Tây tin rằng, các xe chiến đấu bộ binh bọc thép mới gần như chắc chắn được sử dụng để dẫn đầu bất kỳ nỗ lực nào của Ukraine trong tương lai nhằm đẩy lùi quân đội Nga khỏi lãnh thổ.
"Ukraine đang lên kế hoạch thực hiện nhiều chiến dịch tấn công hơn nhằm vào các vị trí của Nga, vì vậy việc trang bị các xe chiến đấu bộ binh tốt hơn để áp sát các vị trí phòng thủ đóng vai trò rất quan trọng", nhà phân tích quân sự Rob Lee tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại nhận định.
Ben Barry, cựu chỉ huy xe tăng Anh và hiện là thành viên tại Viện Các vấn đề Chiến lược Quốc tế ở London, cho biết các xe chiến đấu Bradley và Marder có thể là yếu tố mang tính quyết định nếu Ukraine được cung cấp đủ số lượng như cam kết.
"Bradley sẽ giúp cải thiện đáng kể hiệu quả của lực lượng bộ binh cơ giới Ukraine và không có phương tiện chiến đấu bộ binh nào khác của Nga ở Ukraine là đối thủ của chúng. Quân đội Nga sẽ thực sự lo lắng về điều này", chuyên gia Barry nhấn mạnh.
Các xe chiến đấu bộ binh mới của phương Tây được đưa đến Ukraine đúng thời điểm. Theo quân đội Ukraine và quan chức Mỹ, sau hơn 10 tháng giao tranh khốc liệt, các phương tiện từ thời Liên Xô của Ukraine đã dần bị phá hủy và hư hại.
Xe AMX-10 của Pháp, hay còn được gọi là "xe tăng hạng nhẹ", rất phù hợp với cách Ukraine đang chiến đấu mặc dù không có lớp giáp dày và khả năng chiến đấu như các loại xe tăng chủ lực. Được trang bị pháo giống như Abrams M1 của Mỹ, với súng 105mm, AMX-10 của Pháp vừa nhanh hơn và linh hoạt hơn M1. Điều quan trọng là phương tiện của Pháp có phạm vi hoạt động gần gấp đôi xe tăng Mỹ (800-1.000km so với khoảng 425km của M1).
Việc cung cấp các phương tiện chiến đấu như Bradley sẽ tăng cường đáng kể năng lực bộ binh cơ giới mà Ukraine đã sử dụng rất hiệu quả trong các cuộc phản công ở Kharkov, Donetsk và Kherson vào năm ngoái. Lớp giáp và vũ khí chính của Bradley biến khí tài này trở thành một phương tiện chiến đấu hiện đại có khả năng chiến đấu cao, hữu ích trong việc hỗ trợ giao tranh đô thị ở các thành phố trọng điểm như Bakhmut, miền Đông Ukraine.
"Đây là thời điểm thích hợp để Ukraine tận dụng năng lực của họ và thay đổi cục diện trên chiến trường. Trong suốt thời gian qua, Ukraine đã cho thấy khả năng tác chiến ngày càng hiệu quả", Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Laura Cooper nói.
Thế khó của Ukraine và đồng minh
Mặc dù vậy, nếu không được gửi với số lượng lớn, những khí tài mới khó có thể làm thay đổi đáng kể cục diện trên chiến trường, thậm chí có thể làm tăng thêm gánh nặng hậu cần cho Ukraine, khi các kỹ thuật viên Ukraine phải vật lộn với một đội xe đa dạng mà mỗi chiếc đều có yêu cầu về linh kiện và đạn dược riêng.
Bộ 3 xe chiến đấu bộ binh mới của các nước phương Tây không phải là những phương tiện bọc thép đầu tiên được phương Tây gửi đến Ukraine, nhưng chúng được cho là những khí tài tiên tiến nhất.
AMX-10 sử dụng pháo 105 mm, trong khi M2 Bradley được trang bị pháo 25mm và tên lửa dẫn đường chống tăng, còn Marder thường được trang bị súng 20mm. 3 phương tiện khác nhau sử dụng các loại đạn khác nhau, đồng nghĩa với việc quân đội Ukraine sẽ phải đau đầu hơn về mặt hậu cần. AMX-10 được thiết kế bánh lốp, trong khi M2 Bradley và Marder sử dụng bánh xích.
Cả Bradley và Marder đều có thể chở quân, khiến chúng trở nên quan trọng đối với bất kỳ chiến dịch tấn công nào của Ukraine trong tương lai nhằm đối phó với hệ thống phòng thủ của Nga dọc theo chiến tuyến trải dài hơn 900km. Trong những tuần gần đây, khu vực này hầu như được giữ ổn định sau khi Nga tăng cường lực lượng mới được huy động.
Ukraine thường xuyên gây sức ép với các đồng minh phương Tây để có được các khí tài bộ binh tinh vi hơn, bao gồm xe chiến đấu bộ binh bọc thép và xe tăng tối tân của phương Tây, như Abrams của Mỹ và Leopard II của Đức. Tuy nhiên, Mỹ, Pháp và Đức vẫn thận trọng, chỉ cung cấp các vũ khí mà Ukraine thực sự cần và có thể bảo trì, đồng thời cân nhắc tình trạng kho vũ khí hiện tại của các nước này.
Giới chức Mỹ cho rằng Ukraine có đủ xe tăng tốt trong số các xe tăng T-72 thời Liên Xô, mặc dù Kiev đang thiếu đạn dược. Mỹ và Đức nhận định, để huấn luyện quân nhân Ukraine vận hành các xe tăng Leopard hoặc Abrams hiện đại và bảo trì chúng trên thực địa sẽ mất nhiều tháng. Theo một quan chức Mỹ giấu tên, chuỗi hậu cần cần thiết để vận hành các xe tăng ngốn nhiên liệu như Abrams cũng phải mở rộng.
Hiện tại, các lực lượng Ukraine sử dụng xe tăng thời Liên Xô với vai trò yểm trợ nhiều hơn, bảo vệ chúng phía sau phòng tuyến và sử dụng các loại súng như pháo binh. Họ cũng thường dựa vào các xe bọc thép chở quân để chuyển quân nhanh chóng trong các cuộc diễn tập tấn công.
Mặc dù Ukraine thúc đẩy mạnh mẽ các đồng minh cung cấp cho Kiev các phương tiện chiến đấu chủ lực hiện đại như M1 Abrams của Mỹ và Leopard II của Đức, song các yêu cầu này cho đến nay vẫn bị từ chối. Trong bối cảnh đó, các xe chiến đấu bộ binh đang đổ vào Ukraine được cho là phù hợp hơn với chiến thuật mà quân đội Ukraine đã và đang sử dụng để chống lại Nga.
Đối mặt với hướng triển khai quân sự chậm chạp của Nga, trong đó tập trung vào xe tăng hạng nặng và phụ thuộc nhiều vào hệ thống đường sá mới được nâng cấp, lực lượng khí tài của Ukraine tập trung vào tốc độ và tính cơ động, nhất là trong các cuộc phản công thành công của Ukraine ở miền Đông và miền Nam.
Quyết định của phương Tây về việc cung cấp khí tài hiện đại cho Ukraine ngay lập tức vấp phải sự phản đối của Nga. "Các phương tiện mới là bước tiếp theo dẫn đến sự leo thang của cuộc xung đột ở Ukraine", đại sứ quán Nga ở Berlin, Đức cảnh báo.
Điện Kremlin tuyên bố những đợt viện trợ vũ khí mới của phương Tây sẽ không thay đổi được tình hình ở Ukraine. "Chúng ta đều biết rằng châu Âu, NATO và Mỹ đã cung cấp cho Ukraine số lượng vũ khí trị giá hàng chục tỷ USD. Tuy nhiên, động thái này sẽ không thay đổi được điều gì và không thể ngăn cản quá trình hoàn tất những mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố hôm 9/1, đồng thời cảnh báo động thái cung cấp vũ khí của phương Tây chỉ khiến người dân Ukraine "chịu thêm đau khổ".
Trước các tuyên bố cứng rắn của Nga, Mỹ tuyên bố sẽ không thể gửi xe tăng Abrams mà Ukraine đề nghị, điều này khiến Kiev không hài lòng. Kiev đã nhiều lần yêu cầu các đồng minh phương Tây cung cấp các phương tiện chiến đấu hạng nặng hơn như xe tăng Abrams và xe tăng Leopard do Đức sản xuất. Một số quan chức Ukraine cho rằng các đồng minh phương Tây đã quá chậm chạp trong việc cung cấp vũ khí tiên tiến cho Kiev.
Thành Đạt
Theo New York Times, Reuters, Guardian