1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Hezbollah
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Pháp nêu điều kiện cho phép Ukraine dùng vũ khí phương Tây tập kích Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Lãnh đạo Pháp và Đức ngày 28/5 đã nhất trí quan điểm rằng Ukraine có thể được phép tập kích các mục tiêu quân sự nhất định bên trong lãnh thổ Nga, nơi Moscow dùng để phóng tên lửa vào Ukraine.

Pháp nêu điều kiện cho phép Ukraine dùng vũ khí phương Tây tập kích Nga - 1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (Ảnh: Reuters).

"Chúng tôi ủng hộ Ukraine và chúng tôi không muốn leo thang, điều đó không thay đổi", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhân chuyến thăm Đức ngày 28/5.

Nhà lãnh đạo Pháp cho biết thêm: "Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta nên cho phép họ (Ukraine) vô hiệu hóa các địa điểm quân sự nơi tên lửa được bắn đi, các địa điểm quân sự mà Ukraine bị tấn công. Nhưng chúng ta không nên cho phép họ tấn công các mục tiêu khác ở Nga và các địa điểm dân sự hoặc quân sự khác ở Nga".

Ông nói: "Nếu chúng ta nói với họ rằng các vị không được phép nhắm mục tiêu vào nơi Nga phóng tên lửa, thì thực tế chúng ta đang nói với họ rằng chúng ta đang cung cấp cho họ vũ khí nhưng họ không thể tự vệ".

Về phần mình, Thủ tướng Scholz cho hay, ông nhất trí với ông Macron rằng chừng nào Ukraine tôn trọng các điều kiện do các quốc gia cung cấp vũ khí đưa ra, bao gồm cả Mỹ, cũng như luật pháp quốc tế, thì nước này được phép tự vệ.

"Ukraine có mọi khả năng theo luật pháp quốc tế cho những gì họ đang làm. Chúng ta phải nói rõ ràng điều đó. Tôi thấy lạ khi một số người cho rằng không nên cho phép tự vệ và áp dụng các biện pháp phù hợp cho việc này", ông Scholz nhấn mạnh.

Đến nay, lãnh đạo phương Tây vẫn khá chia rẽ về việc có nới lỏng yêu cầu với Ukraine về sử dụng vũ khí viện trợ hay không.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuần trước hối thúc các thành viên của liên minh cân nhắc dỡ bỏ lệnh cấm Ukraine dùng vũ khí phương Tây viện trợ để tập kích Nga. Ý tưởng này nhận được sự ủng hộ của Anh, Séc, Estonia, Hà Lan, Latvia.

Trong khi đó, hầu hết các nước phương Tây, như Bỉ, Italy, phản đối phương án này.

Các nước như Mỹ phát tín hiệu ủng hộ, nhưng không rõ ràng. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuần trước nói rằng, Ukraine phải tự đưa ra quyết định về cách thức tiến hành cuộc chiến bên ngoài biên giới của mình.

Quan điểm của phương Tây có dấu hiệu dao động trong bối cảnh Ukraine đang ở thế bất lợi trong cuộc xung đột với Nga.

Trước kia, chính quyền Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố Kiev sẽ không dùng vũ khí viện trợ để tấn công mục tiêu bên ngoài biên giới, thay vào đó, chỉ sử dụng vũ khí nội địa. Tuy nhiên, vài tuần trở lại đây, giới chức Ukraine liên tục gây sức ép với các đối tác, hối thúc họ cho phép Kiev tập kích mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua cảnh báo: "Các đại diện của NATO, đặc biệt là ở châu Âu, nên nhận thức được họ đang chơi trò gì. Họ nên nhớ rằng họ thường là quốc gia có lãnh thổ nhỏ và dân số đông đúc. Đó là yếu tố họ nên cân nhắc trước khi tấn công sâu vào lãnh thổ Nga".

Ông Putin lập luận, các cuộc tấn công của Ukraine bằng vũ khí tầm xa sẽ cần sự trợ giúp về vệ tinh, tình báo và quân sự của phương Tây, vì vậy phương Tây sẽ phải trực tiếp tham gia vào các cuộc tấn công như vậy.

Ông cảnh báo, kịch bản phương Tây đưa quân vào Ukraine hay cho phép Kiev tấn công vào Nga có thể kéo theo xung đột toàn cầu.

Theo Reuters, Kyiv Post
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine