1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ông Putin cảnh báo hậu quả nếu Ukraine dùng vũ khí phương Tây tấn công Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Moscow đang theo dõi sát những phát ngôn của lãnh đạo phương Tây về việc cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Ông Putin cảnh báo hậu quả nếu Ukraine dùng vũ khí phương Tây tấn công Nga - 1

Binh sĩ Ukraine khai hỏa ở Kharkov (Ảnh: NYTimes).

Cảnh báo ý tưởng Ukraine dùng vũ khí phương Tây tấn công Nga

"Các đại diện của NATO, đặc biệt là ở châu Âu, nên nhận thức được họ đang chơi trò gì. Họ nên nhớ rằng họ thường là quốc gia có lãnh thổ nhỏ và dân số đông đúc. Đó là yếu tố họ nên cân nhắc trước khi tấn công sâu vào lãnh thổ Nga", Tổng thống Nga Putin phát biểu tại một cuộc họp báo sau chuyến thăm Uzbekistan.

Chủ nhân Điện Kremlin nhắc lại, cách đây 6 tháng, ông từng tuyên bố công khai rằng nếu Ukraine tiếp tục tấn công vào các khu dân của Nga, Nga sẽ buộc phải lập vùng đệm quân sự. "Hiện giờ, chúng tôi đã làm điều này", ông Putin nói.

Ông Putin cảnh báo thêm: "Leo thang liên tục có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nếu những hậu quả nghiêm trọng này xảy ra ở châu Âu, Mỹ sẽ hành xử như thế nào, hãy lưu ý đến sự ngang bằng của chúng ta trong lĩnh vực vũ khí chiến lược. Liệu họ có muốn một cuộc xung đột toàn cầu?"

Ông Putin lập luận, các cuộc tấn công của Ukraine bằng vũ khí tầm xa sẽ cần sự trợ giúp về vệ tinh, tình báo và quân sự của phương Tây, vì vậy phương Tây sẽ phải trực tiếp tham gia vào các cuộc tấn công như vậy.

Nhà lãnh đạo Nga cảnh báo, kịch bản Pháp gửi quân tới Ukraine cũng sẽ là một bước tiến tới xung đột toàn cầu.

Những cảnh báo trên của ông Putin nhắm đến Ukraine và các đồng minh phương Tây của Kiev sau khi một số lãnh đạo châu Âu lên tiếng ủng hộ việc dỡ bỏ hạn chế, cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cuối tuần trước nói rằng: "Đã đến lúc các đồng minh xem xét có nên dỡ bỏ một số hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng nguồn vũ khí do phương Tây viện trợ hay không, đặc biệt trong bối cảnh giao tranh ác liệt ở Kharkov, gần biên giới Nga".

Ý tưởng "cởi trói" cho vũ khí phương Tây ở Ukraine được đưa ra trong bối cảnh Nga đang chiếm ưu thế trên chiến trường, trong khi Ukraine cạn kiệt vũ khí, đạn dược và nhân lực.

Tuy còn gây tranh cãi, nhưng ý tưởng này cũng nhận được sự ủng hộ của một số nước phương Tây. Tổng thống Latvia Egils Levits hôm 28/5 nêu quan điểm rằng không có lý do gì để ngăn Kiev sử dụng vũ khí phương Tây để tập kích vào lãnh thổ Nga.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu Josep Borrell cho biết, ngoại trưởng các nước thành viên EU tại cuộc họp hôm 27/5 đã thảo luận về việc dỡ bỏ các hạn chế ngăn chặn Ukraine sử dụng vũ khí do NATO cung cấp để tấn công bên trong lãnh thổ Nga.

"Chúng tôi đã thảo luận về việc viện trợ nhiều hệ thống phòng không hơn, đặc biệt là Patriot, cũng như việc dỡ bỏ các hạn chế sử dụng vũ khí phương Tây tấn công lãnh thổ Nga", ông cho hay và nói thêm một số nước đã dỡ bỏ hạn chế với Ukraine.

Về lính đánh thuê ở Ukraine

Tổng thống Putin khẳng định Nga biết về sự hiện diện của lính đánh thuê phương Tây ở Ukraine dưới vỏ bọc huấn luyện viên quân sự.

"Về khả năng lính đánh thuê có mặt ở Ukraine, chúng tôi biết rõ điều này. Không có gì mới ở đây cả. Họ đã ở đó từ lâu. Chúng tôi nghe thấy những cuộc trao đổi bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ba Lan trên sóng phát thanh, chúng tôi biết họ ở đó", ông Putin nói.

Tuy nhiên, ông cho biết, lính đánh thuê phương Tây chịu tổn thất lớn ở Ukraine và phương Tây đang cảm thấy khó che giấu được điều này.

"Có một câu hỏi về vũ khí chính xác tầm xa. Ai vận hành loại vũ khí này, ai bảo trì chúng? Tất nhiên, những huấn luyện viên quân sự này đều đội lốt lính đánh thuê. Họ ở đó và chịu tổn thất lớn", nhà lãnh đạo Nga cho biết.

Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi đầu tuần này cho biết, Ukraine đã ký thỏa thuận cho phép các huấn luyện viên quân sự Pháp đến nước này để đào tạo quân nhân. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Ukraine sau đó xác nhận rằng vấn đề này vẫn đang được thảo luận.

Về phía Bộ Quốc phòng Pháp, cơ quan này cùng ngày cho biết vấn đề trên đang được nghiên cứu nhưng không xác nhận việc triển khai.

Hồi tháng 3, Bộ Quốc phòng Nga công bố báo cáo cho thấy, ít nhất 13.387 lính đánh thuê nước ngoài đã đến Ukraine và chiến đấu cùng quân đội Kiev. Trong đó, khoảng 5.962 tay súng đã thiệt mạng.

Moscow từng tuyên bố hạ số lượng lớn lính đánh thuê người Pháp ở Ukraine, tuy nhiên, Paris đã bác bỏ.

Vitaly Kiselev, một chuyên gia quân sự ở vùng ly khai Lugansk, nói rằng hơn 1.000 lính đánh thuê Pháp đang có mặt ở Donbass, miền Đông Ukraine.

Theo chuyên gia này, các đơn vị đặc biệt của một số nước châu Âu hiện cũng có mặt tại chiến trường Ukraine.

Mặc dù vậy, đến nay, các nước phương Tây về cơ bản phủ nhận đã triển khai lực lượng quân sự ở Ukraine.

Về đàm phán hòa bình với Ukraine

Ông Putin cảnh báo hậu quả nếu Ukraine dùng vũ khí phương Tây tấn công Nga - 2

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: TASS).

Tại cuộc họp báo, Tổng thống Putin một lần nữa nhấn mạnh không phải Nga, mà chính Ukraine đã ngừng đàm phán nhằm chấm dứt xung đột.

 "Chúng tôi không ngừng đàm phán. Chính họ (Ukraine) nói với chúng tôi rằng sẽ không đàm phán với Nga nữa", ông Putin cho hay.

Ông cũng cho biết, Nga sẵn sàng nối lại tiến trình đàm phán về tình hình Ukraine, nhưng không biết những gì sẽ được đưa lên bàn đàm phán.

"Chúng tôi chưa bao giờ từ chối và luôn sẵn sàng tiếp tục quá trình đàm phán, nhưng chúng tôi không biết điều gì và ai sẽ đàm phán, tôi muốn đề cập ở đây là tính chính danh của đại diện chính phủ Ukraine, ở những giai đoạn khác nhau", chủ nhân Điện Kremlin nêu rõ.

Các quan chức Nga nhiều lần khẳng định, quan điểm của Moscow về đàm phán hòa bình với Ukraine luôn nhất quán. Moscow cho biết, đàm phán chỉ diễn ra với một số điều kiện, trong đó xét đến các lợi ích an ninh của Nga, dựa vào tình hình trên thực địa.

Theo Sputnik, Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine