Ông Trump tiết lộ di sản lớn nhất muốn để lại khi làm tổng thống Mỹ
(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông muốn để lại di sản với tư cách là một "người kiến tạo hòa bình" chứ không phải một "người chinh phạt".

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AFP).
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông muốn được lịch sử ghi nhớ là một "người kiến tạo hòa bình" và nhấn mạnh cam kết chấm dứt các cuộc xung đột quân sự, đặc biệt là cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Ông đã đưa ra tuyên bố này trước một đám đông lớn tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) vào cuối tuần trước, nơi người Mỹ tập trung để kỷ niệm tháng đầu tiên ông nhậm chức. Ông Trump nhiều lần bày tỏ ý định nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột Ukraine, khẳng định rằng ông có "quyền lực để chấm dứt cuộc chiến này" nhằm "cứu mạng sống".
"Tôi hy vọng di sản lớn nhất của tôi sẽ là một người kiến tạo hòa bình, không phải một người chinh phạt. Tôi không muốn trở thành một người chinh phạt", Tổng thống Mỹ nói trước đám đông.
Trước đó, trong bài phát biểu nhậm chức, ông Trump nói rằng ông muốn được nhớ đến như một "người kiến tạo hòa bình và người thống nhất", đồng thời nhấn mạnh rằng sức mạnh của một quốc gia nên được đo lường bằng những cuộc chiến mà họ chấm dứt hoặc ngăn chặn, chứ không phải những cuộc chiến mà họ giành chiến thắng.
Ông Trump nhiều lần đổ lỗi cho người tiền nhiệm Joe Biden về cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra, tuyên bố rằng cuộc chiến này sẽ không bao giờ nổ ra nếu ông vẫn giữ chức tổng thống.
Theo ông Trump, những tuyên bố của người tiền nhiệm về khả năng Kiev gia nhập NATO là một sự khiêu khích quan trọng, góp phần trực tiếp vào cuộc xung đột.
Phát biểu tại CPAC, ông Trump cũng cho biết ông tin rằng "chúng ta đang khá gần" với một thỏa thuận về Ukraine. Những tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh đối thoại Mỹ - Nga gia tăng, tập trung vào các nỗ lực hòa bình để giải quyết cuộc xung đột Ukraine.
Cũng vào cuối tuần trước, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết chính quyền ông Trump đang tập trung tiếp tục các cuộc đàm phán với cả hai bên và lạc quan rằng một thỏa thuận hòa bình có thể sớm đạt được.
Diễn biến này diễn ra sau các cuộc đàm phán cấp cao giữa các nhà ngoại giao Mỹ và Nga tại Ả rập Xê út vào tuần trước. Cuộc gặp, đánh dấu nỗ lực trực tiếp đầu tiên của hai bên nhằm bình thường hóa quan hệ sau gần 3 năm căng thẳng dưới thời chính quyền Biden, tập trung vào việc khôi phục quan hệ song phương và giải quyết xung đột Ukraine. Đáng chú ý, các đại diện Ukraine và EU đã không tham gia vào cuộc đàm phán.
Cả Moscow và Washington đều ca ngợi các cuộc đàm phán tại Riyadh - một sáng kiến của tổng thống Nga và Mỹ - là hiệu quả.
Ông Dmitry Suslov, một thành viên của Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga, nói với hãng tin RT rằng, cuộc gặp giữa phái đoàn Nga và Mỹ tại Ả rập Xê út hôm 18/2 đã chứng minh sự thay đổi cơ bản trong cách tiếp cận của Washington đối với Moscow.
Theo ông Suslov, "sự công nhận" của Mỹ đối với "lợi ích và mối quan tâm" của Nga là vô cùng quan trọng, vì đây là sự thừa nhận đầu tiên như vậy trong hơn 4 thập niên.
Sau khi kết thúc đàm phán với phái đoàn Nga, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố viễn cảnh chấm dứt xung đột ở Ukraine có thể mở khóa liên minh kinh tế "lịch sử" giữa Washington và Moscow.