1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Người Myanmar sốc khi thức dậy giữa tin chính biến, lo sợ xảy ra xung đột

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nhiều người Myanmar cảm thấy "sốc" khi tỉnh dậy và nhận tin xảy ra đảo chính, với việc hàng loạt lãnh đạo cấp cao bị bắt.

Người Myanmar sốc khi thức dậy giữa tin chính biến, lo sợ xảy ra xung đột - 1

Người dân Myanmar xếp hàng chờ rút tiền trước một cây ATM ở Yangon sau vụ đảo chính (Ảnh: Reuters)

Rạng sáng ngày 1/2, quân đội Myanmar bắt giữ hàng loạt quan chức cấp cao của chính quyền dân sự, trong đó có Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, sau các cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11/2020.

Theo Guardian, tin đồn về một cuộc đảo chính đã "âm ỉ" trong nhiều ngày trước đó. Tuy nhiên, khi nó xảy ra, nhiều người đã thật sự cảm thấy "sốc".

"Mẹ tôi gọi tôi dậy vì tin tức bà Aung San Suu Kyi bị bắt. Tôi bị sốc và không biết phản ứng ra sao", một phụ nữ 25 tuổi cho biết. Cô là một trong rất nhiều người đổ ra các cửa tiệm mua đồ tạp hóa, và đã khóc trên đường về nhà. "Tôi cảm thấy tức giận và lo lắng", cô cho biết.

Người dân xếp hàng dài tại các cửa tiệm trong khi mọi người hối hả mua gạo, dầu, mì ăn liền. Họ đứng trước các cây ATM nhưng không thể rút tiền vì đường dây thông tin liên lạc bị cắt nên các máy không thể hoạt động. Một số hiệu thuốc hết hàng để bán.

Tuần trước, khi quân đội cáo buộc đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi gian lận bầu cử, nhiều người ở Yangon đã treo lá cờ đỏ của NLD để bày tỏ sự ủng hộ với đảng cầm quyền. Tới ngày 1/2, những lá cờ này biến mất.

NLD đã giành được chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử vào tháng 11, khi một số lượng lớn người đi bỏ phiếu bất chấp dịch Covid-19. Đảng Đoàn kết và Phát triển do quân đội hậu thuẫn chỉ giành được 33 ghế.

Người Myanmar sốc khi thức dậy giữa tin chính biến, lo sợ xảy ra xung đột - 2

Quân nhân đứng gác tại một trạm kiểm soát quân sự ở thủ đô Naypyitaw hôm 1/2 (Ảnh: Reuters)

Một nhân viên tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Yangon cho biết đường phố yên tĩnh nhưng có một "nỗi sợ hãi và sự thận trọng trong bầu không khí đó".

"Thật đáng buồn. Tôi không muốn cuộc đảo chính. Tôi đã chứng kiến nhiều sự chuyển giao ở quốc gia này và tôi mong chờ một tương lai tốt hơn", một người đàn ông 64 tuổi ở Yangon nói với AFP.

Một nhân viên hỗ trợ bán hàng 29 tuổi cho hay: "Tôi thất vọng vì những diễn biến đã xảy ra".

Cắt sóng, mạng internet, truyền hình

"Tôi đoán là mình sẽ tường thuật trực tiếp trên Twitter về vụ đảo chính. Không khí vẫn yên tĩnh, dù mọi người đã thức dậy và cảm thấy lo lắng. Mạng internet thì chập chờn và thẻ sim điện thoại của tôi không còn hoạt động nữa", cựu nhà báo Reuters Aye Min Thant viết trên Twitter vào khoảng 7h sáng (giờ địa phương). 

Myanmar do lực lượng vũ trang nước này nắm quyền tới năm 2011, khi phong trào cải cách dân chủ do bà Suu Kyi dẫn đầu chấm dứt chế độ trên. 

BBC dẫn nguồn tin cho biết, quân đội đã bắt giữ ít nhất 42 quan chức, 16 nhà hoạt động xã hội trong vụ đảo chính hôm 1/2. 

"Chúng tôi thức dậy nghe tin có đảo chính vào sáng sớm và một số người bạn đã bị bắt. Kết nối Internet bị mất. Tôi không thể ra ngoài và sử dụng điện thoại, không còn dữ liệu nữa. Đây là tình hình lúc này, trong khi xe quân sự đi vòng quanh thành phố", một nhà hoạt động địa phương nói với BBC

Người Myanmar sốc khi thức dậy giữa tin chính biến, lo sợ xảy ra xung đột - 3

Xe quân sự trên đường phố hôm 1/2 (Ảnh: AFP)

Nhà báo Cape Diamond cho biết, tại thủ đô Nay Pyi Daw, mạng điện thoại mất tín hiệu từ 4h - 11h15 sáng ngày 1/2 (giờ địa phương). "Không gọi điện, không mạng wifi", Diamond cho biết. 

Trong khi đó, các kênh truyền hình quốc tế và nội địa, bao gồm cả đài quốc gia đều bị cắt sóng.

Theo BBC, đến giữa ngày 1/2, kết nối Internet được khôi phục khoảng 75%.

Bầu không khí lo lắng

Một phụ nữ 25 tuổi ở Yangon nói với BBC rằng cô định ra ngoài đi dạo buổi sáng thì nhận được tin nhắn từ một người bạn về việc bà Suu Kyi bị bắt.

"Thức dậy và biết được thế giới của bạn hoàn toàn đảo ngược chỉ sau một đêm không phải là một cảm giác mới mẻ, mà là một cảm giác mà tôi nghĩ rằng chúng tôi đã vượt qua và chưa bao giờ nghĩ mình sẽ phải cảm nhận lại ", cô nói, ám chỉ thời kỳ quân đội nắm quyền khi cô còn nhỏ.

"Tôi lo ngại giá cả hàng hóa sẽ tăng cao. Tôi cũng lo vì con tôi chưa hoàn thành chương trình học. Con mới học được một nửa. Và đây cũng là thời điểm diễn ra đại dịch", Ma Nan, một thương nhân ở Yangon, nói với BBC.

Người Myanmar sốc khi thức dậy giữa tin chính biến, lo sợ xảy ra xung đột - 4

Nhiều người dân đổ xô đi tích trữ hàng hóa sau vụ đảo chính (Ảnh: AFP)

Than Than Nyunt, một người nội trợ ở Yanong, lo lắng về vật giá leo thang và kịch bản có thể xảy ra xung đột. 

Theo BBC, nhiều người dân dường như lo sợ về viễn cảnh quay lại cuộc sống dưới sự quản lý của quân đội những năm 1990 và 2000. 

Năm 1988, quân đội Myanmar đã tiến hành vụ đảo chính quy mô lớn. Cuộc sống sau đó của người dân đã lâm vào cảnh khó khăn, giá cả biến động, xung đột nội bộ tại nhiều khu vực. Nhiều người bày tỏ lo lắng về kịch bản gì sẽ xảy ra tiếp theo. 

"Chúng tôi tự an ủi bản thân rằng sẽ vượt qua, vì chúng tôi còn từng trải qua những điều tệ hơn trước đó. Nhưng tôi ước chúng tôi không phải làm như vậy, không buộc phải tự trấn an mình trở nên mạnh mẽ", người phụ nữ 25 tuổi ở Yangon nói với BBC. 

Những tiếng nói khác

Người Myanmar sốc khi thức dậy giữa tin chính biến, lo sợ xảy ra xung đột - 5

Những người ủng hộ quân đội đi qua một hàng dài xe cảnh sát ở Yangon, Myanmar ngày 1/2 (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, vẫn có những người ủng hộ chính biến tại Myanmar lần này. Trên các trục đường chính ở Yangon, một số xe tải chở theo những người ủng hộ quân đội di chuyển, vẫy cờ tổ quốc và thổi kèn bài quốc ca Myanmar.

Một nhóm người ủng hộ khác ăn mừng quân đội lên nắm quyền tại Lăng Liệt sĩ ở trung tâm thành phố Yangon, nơi họ nhảy theo các bài hát có lời "Chúng ta đã dũng cảm thể hiện dòng máu Myanmar".

Quân đội Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm trước khi tiến hành tổng tuyển cử. Họ cũng đã cách chức hàng loạt quan chức trong chính quyền của bà Aung San Suu Kyi và thay mới nhiều vị trí lãnh đạo. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế đã lên án cuộc đảo chính ở Myanmar.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar