Bùng nổ nhóm vũ trang đối đầu quân đội, Myanmar nguy cơ nội chiến toàn diện
(Dân trí) - Myanmar đang rơi vào kịch bản xung đột nội bộ quy mô lớn có thể nổ ra, khi ngày càng có nhiều các nhóm vũ trang đối đầu quân đội nước này được thành lập.
Theo Guardian, sau sự kiện đảo chính quân sự ngày 1/2, bầu không khí căng thẳng ở Myanmar ngày càng có dấu hiệu leo thang dồn dập, đẩy nước này tiến sát ranh giới của một nội chiến mới.
Trước sự kiện chính biến 4 tháng trước, xung đột giữa quân đội với các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới liên tục diễn ra. Tuy nhiên, sau khi chính quyền quân sự giành quyền kiểm soát đất nước, hàng chục các nhóm tự định danh là "lực lượng phòng vệ nhân dân" đã xuất hiện khắp cả nước nhằm chống lại quân đội. Các cuộc xung đột quy mô nhỏ đã nổ ra ở các khu vực mà trước đó từng khá yên bình.
Hồi giữa tháng 4, các nhóm đối lập quân đội Myanmar đã tuyên bố lập "chính phủ thống nhất quốc gia" (NUG) với nòng cốt là các nghị sĩ bị lật đổ trong cuộc đảo chính ngày 1/2, lãnh đạo phe biểu tình phản đối chính biến và các nhóm dân tộc thiểu số.
Phát ngôn viên NUG, ông Sasa, cảnh báo về một nội chiến mới khi ông mô tả rằng "các cộng đồng đang cầm vũ khí để tự bảo vệ chính mình trước các chiến dịch của quân đội" vì "người dân Myanmar không còn lựa chọn nào khác".
Bầu không khí căng thẳng ở Myanmar kéo dài trong 4 tháng qua khi hàng trăm nghìn người dân xuống đường biểu tình đảo chính. Quân đội Myanmar đã áp dụng nhiều biện pháp để giải tán đám đông, kể cả dùng đạn thật. Thống kê của các nhóm xã hội dân sự nói rằng khoảng hơn 800 người biểu tình đã thiệt mạng.
"Đó mới chỉ là bắt đầu. Tình hình sẽ còn trở nên mất kiểm soát. Cả đất nước đang tiến trên con đường dẫn tới nội chiến", ông Sasa cảnh báo.
Xu hướng đối đầu quân đội
Hồi tuần trước, hàng nghìn người dân thường bang Kayah đã tháo chạy khỏi nơi ở vì cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội Myanmar với nhóm "lực lượng phòng vệ nhân dân Karenni" (KPDF) mới được thành lập và "quân đội Karenni" - nhóm vũ trang dân tộc thiểu số. Tối ngày 31/5, quân đội Myanmar điều trực thăng ném bom và nã hỏa lực vào các thành viên của KPDF.
Theo tổ chức phi chính phủ ACLED (Mỹ), ít nhất 58 lực lượng phòng vệ nhân dân như KPDF đã được thành lập trên khắp Myanmar, 12 nhóm trong số đó hiện đang hoạt động. Nhiều nhóm được thành lập ở cấp độ địa phương và không liên kết chính thức với nhóm NUG.
Tại thị trấn Mindat ở bang Chin, các tình nguyện viên được trang bị những khẩu súng săn truyền thống. Tại những nơi khác, nhiều người đã trốn vào rừng học cách làm vũ khí. Người nổi tiếng, như cựu hoa hậu Hòa bình Quốc tế Myanmar Htar Htet Htet hay ca sĩ nhóm nhạc Big Bag, Kyar Pauk, tuyên bố tham gia các khóa huấn luyện của các nhóm vũ trang chống đối quân đội.
Tại Yangon, các thành viên của lực lượng an ninh Myanmar đã trở thành mục tiêu của một làn sóng tấn công trong thời gian qua, bao gồm các vụ nổ súng và đánh bom. Tuần trước, một đám cưới bị tấn công vì chú rể bị nghi là người cung cấp thông tin cho quân đội. Bốn người thiệt mạng - bao gồm cả cô dâu - sau khi một quả bom được bọc làm quà cưới phát nổ. Chưa có bên nào đứng ra nhận trách nhiệm. Nhiều vụ tấn công nhỏ lẻ cũng xảy ra trên cả nước.
Chuyên gia Richard Horsey từ Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (Bỉ) cảnh báo rằng, những cuộc tấn công trên đang trở thành một xu hướng đáng lo ngại. "Sẽ rất khó để kiểm soát nếu hành vi bạo lực này trở thành chuyện bình thường trong tương lai", ông Horsey cảnh báo.
NUG, trong khi đó, cho biết họ đang lên kế hoạch xây dựng "quân đội liên bang". NUG cũng kêu gọi các nhóm phản đối quân đội tuân thủ theo các chỉ dẫn về đạo đức và không tấn công nhằm vào trường học hoặc bệnh viện. Cuối tuần qua, NUG đã tung video ghi lại nhóm thành viên đầu tiên của lực lượng phòng vệ hoàn thành khóa huấn luyện.
Theo thống kê của ACLED, số cuộc đối đầu ở Myanmar trong nửa đầu năm nay đã nhiều hơn toàn bộ năm ngoái. Trước đó, các cuộc giao tranh tập trung ở bang Rakhin và bang Shan, nhưng giờ đây nó đã lan rộng ra khắp cả nước.
Tại bang Chin, hàng nghìn người vẫn chưa biết đi đâu, về đâu khi chiến sự đang leo thang dồn dập. Họ tuyệt vọng vì thiếu thốn những nhu yếu phẩm cơ bản. Trong khi đó, giới quan sát cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo.