1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Liên Hợp Quốc lên án mạnh mẽ chưa từng có đảo chính ở Myanmar

Minh Phương

(Dân trí) - Trong một động thái hiếm hoi, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lên án đảo chính quân sự Myanmar và kêu gọi cấm vận vũ khí với quốc gia này.

Liên Hợp Quốc lên án mạnh mẽ chưa từng có đảo chính ở Myanmar - 1

Người biểu tình dùng các tấm khiên tự chế khi đối đầu với lực lượng an ninh ở Yangon, Myanmar (Ảnh: AFP).

Reuters cho biết, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 18/6 đã thông qua nghị quyết lên án đảo chính ở Myanmar với 119 phiếu thuận, 36 phiếu trắng và 37 thành viên không bỏ phiếu, một thành viên phản đối.

Nghị quyết kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar khôi phục nền dân chủ, lên án các hành động bạo lực nhằm vào dân thường kể từ sau đảo chính, đồng thời kêu gọi các nước ngăn vũ khí tuồn vào Myanmar.

Ngoài ra, nghị quyết cũng kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Tổng thống Win Myint, Cố vấn Nhà nước Suu Kyi cùng các chính trị gia khác và tất cả những người bị giam giữ, buộc tội hoặc bắt giữ một cách tùy tiện.

Đại sứ Liên minh châu Âu Olof Skoog bình luận, nghị quyết "phát đi một thông điệp mạnh mẽ và cứng rắn", đồng thời nhấn mạnh đây là nghị quyết lên án nhận được nhiều sự ủng hộ nhất của các nước thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc từ trước đến nay nhằm lên án tình hình ở Myanmar.

Richard Gowan, Giám đốc tổ chức ứng phó khủng hoảng quốc tế của Liên Hợp Quốc, nói ông mới chỉ biết 3 nghị quyết của Đại hội đồng lên án các cuộc đảo chính theo cách này kể từ sau Chiến tranh lạnh.

Phát biểu với báo giới trước phiên bỏ phiếu hôm qua, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói: "Chúng ta không thể sống trong một thế giới mà đảo chính quân sự trở thành một thông lệ. Điều đó là không thể chấp nhận được".

Myanmar chìm sâu vào khủng hoảng kể từ sau cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2. Quân đội đã bắt giữ hàng loạt quan chức của chính quyền dân sự, trong đó có Tổng thống Win Myint, Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, và lập ra một chính quyền quân sự do Thống tướng Min Aung Hliang đứng đầu.

Các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự nổ ra ở khắp các thành phố lớn của Myanmar. Các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình khiến ít nhất khoảng 800 người thiệt mạng, hàng chục nghìn người phải sơ tán.

Nổ lớn liên tiếp

Trong một diễn biến liên quan, chiều 18/6, hai vụ nổ lớn liên tiếp đã làm rung chuyển Yangon, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, gần văn phòng của đảng Đoàn kết và Phát triển (USDP) - một đảng chính trị do quân đội Myanmar hậu thuẫn. Vụ nổ thứ hai xảy ra chỉ cách vụ nổ đầu tiên khoảng vài phút. Vụ đầu tiên khiến một binh sĩ thiệt mạng và vụ thứ hai khiến một hành khách trên taxi tử vong, một số nhân viên an ninh cũng bị thương và ít nhất một xe tải quân sự bốc cháy ngùn ngụt.

Hiện chưa có lực lượng nào đứng ra nhận trách nhiệm về hai vụ nổ nói trên. Nhiều vụ đánh bom đã xảy ra ở các thị trấn, thành phố trên khắp Myanmar kể từ sau đảo chính. Chính quyền quân sự cáo buộc "những kẻ khủng bố" có quan hệ với chính quyền dân sự cũ đứng sau các vụ tấn công này.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar