1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga tiết lộ lá chắn thép có thể bắt bài "hỏa thần" HIMARS

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga tuyên bố hệ thống phòng không Pantsir-S1 của nước này đã được nâng cấp để đánh chặn rocket từ hệ thống phóng loạt HIMARS mà Mỹ cấp cho Ukraine.

Nga tiết lộ lá chắn thép có thể bắt bài hỏa thần HIMARS - 1

Hệ thống phòng không Pantsir-S1 của Nga (Ảnh: Tass).

Chỉ huy hệ thống Pantsir-S1 thuộc quân khu Tây Nga với mật danh Baron ngày 25/1 cho hay, tổ hợp phòng không này đã trải qua quá trình nâng cấp và nhận được phần mềm mới cho phép nó có khả năng đánh chặn rocket của HIMARS một cách hiệu quả nhất.

"Chúng tôi hoàn thành các mục tiêu bảo vệ các cơ sở quân sự và cả cơ sở hạ tầng dân sự. Cụ thể, Pantsir-S1 có góc quan sát 360 độ để đánh chặn nhiều loại mục tiêu trên không: Máy bay, trực thăng, rocket phóng loạt và cả máy bay không người lái", ông Baron nói.

"Tổ hợp này có thể tác chiến khi đang hành quân và di chuyển. Chúng tôi đã bắn hạ nhiều loại mục tiêu khác nhau, từ máy bay không người lái Bayraktar và tên lửa đạn đạo Tochka-U. Do loại rocket HIMARS có tốc độ cao, vì vậy cần phải phản ứng nhanh chóng để đưa ra quyết định. Pantsir-S1 đã được nâng cấp để tấn công mục tiêu này", ông giải thích.

Cuối năm ngoái, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hệ thống phòng không tầm ngắn Pantsir-S1 đã chứng tỏ hiệu quả 100% trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

Con số này có nghĩa là, trong các nhiệm vụ Nga triển khai Pantsir, tổ hợp này đều bắn trúng mục tiêu cần đánh chặn.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, hệ thống Pantsir đã có thể phát hiện và tiêu diệt nhiều mục tiêu thuộc nhiều loại khác nhau, bao gồm cả máy bay không người lái dân dụng có kích thước nhỏ chỉ vào khoảng 30x30cm.

Nga cho biết, Pantsir được trang bị một thiết bị chụp ảnh nhiệt cho phép các binh sĩ phòng không xác định xem liệu một máy bay không người lái nhỏ bằng nhựa có lắp thuốc nổ hay không.

Phiên bản Pantsir đầu tiên được phát triển dưới thời Liên Xô nhằm chống lại các cuộc tấn công sân bay, hầm chứa tên lửa, sở chỉ huy và thiết bị thông tin liên lạc.

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Pantsir được triển khai như một hệ thống phòng thủ tầm ngắn cho lực lượng mặt đất của Nga.

Hệ thống điều khiển hỏa lực (FCS) của Pantsir dựa vào một radar phát hiện mục tiêu và radar theo dõi dải sóng kép hoạt động trong dải sóng UHF và EHF (Tần số cực cao và Tần số khẩn cấp cao).

Được mệnh danh là "mãnh thú", Pantsir-S1 được thiết kế để phát hiện và tiêu diệt mọi mục tiêu trên không như máy bay, trực thăng, bom dẫn đường hay tên lửa đạn đạo bay ở độ cao từ 5m đến 15km trong phạm vi từ 200m đến 20km chỉ trong vòng 5 giây.

Radar có phạm vi phát hiện 32-36km và phạm vi theo dõi 24-28 km đối với mục tiêu có mặt cắt ngang radar (RCS) là 2m². Radar có thể theo dõi các mục tiêu và tên lửa đất đối không khi đang bay.

Ngoài radar, FCS còn sử dụng hệ thống quang điện tử với thiết bị chụp ảnh nhiệt sóng dài và thiết bị tìm hướng hồng ngoại, bao gồm xử lý tín hiệu kỹ thuật số và theo dõi mục tiêu tự động.

Hai hệ thống dẫn đường độc lập - radar và quang điện tử - cho phép Pantsir S1 tấn công đồng thời 2 mục tiêu cùng lúc.

Hệ thống Pantsir S1 bao gồm 12 tên lửa dẫn đường bằng sóng vô tuyến, 2 pháo tự động 2A38 30mm bắn nhanh, các cảm biến quang điện và radar. Tổ hợp phòng không Pantsir-S1 thường được sử dụng để bảo vệ các khu vực mục tiêu trọng yếu, các điểm dân cư và quân sự. Theo các chuyên gia đánh giá, hệ thống Pantsir-S1 sẽ phát huy thế mạnh của mình khi tấn công những mục tiêu bay tầm thấp của đối phương.

Theo Tass
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine