1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lo bị tấn công, Nga nghi dựng "lá chắn thép" bảo vệ Điện Kremlin

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Một "lá chắn thép" được cấu thành từ các tổ hợp phòng không đặt trên các tòa nhà cao tầng được cho là đã xuất hiện xung quanh Điện Kremlin ở thủ đô Moscow.

Lo bị tấn công, Nga nghi dựng lá chắn thép bảo vệ Điện Kremlin - 1
Vật thể giống với tổ hợp tên lửa phòng không Pantsir-S1 được đặt trên nóc tòa nhà trụ sở Bộ Quốc phòng Nga hôm 19/1 (Ảnh: mil.in.ua).

Trang mil.in.ua, dựa trên những hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội, cho biết quân đội Nga đã lắp đặt ít nhất 3 tổ hợp phòng không tầm ngắn Pantsir-S1 lên nóc các tòa nhà xung quanh Điện Kremlin.

Tổ hợp mới nhất vừa được đặt tại tòa trụ sở của Bộ Nội vụ Nga ở số 38, phố Petrovka. Trước đó, một tổ hợp Pantsir-S1 đã được nhìn thấy trên nóc tòa nhà trụ sở Bộ Quốc phòng Nga. Một hệ thống khác cũng được đưa lên tầng mái của Sở Giáo dục trung tâm Moscow.

Đây được xem là động thái của Nga nhằm bảo vệ Điện Kremlin cùng các trụ sở cơ quan đầu não của nước này, trước nguy cơ bị vũ khí tầm xa của Ukraine tấn công. Các vụ nổ tại một số căn cứ quân sự bên trong lãnh thổ Nga thời gian qua được xem là nguyên nhân cho quyết định trên, khi nó cảnh tỉnh giới lãnh đạo quân sự Nga về việc các mục tiêu trên lãnh thổ nước này không còn là bất khả xâm phạm.

Lo bị tấn công, Nga nghi dựng lá chắn thép bảo vệ Điện Kremlin - 2
Một tổ hợp Pantsir-S1 của Nga bị thu giữ tại Ukraine (Ảnh: mil.in.ua).

Pantsir-S1 là một tổ hợp tên lửa và pháo phòng không hiện đại của quân đội Nga. Tổ hợp này được phòng thiết kế KBP thiết kế và đưa vào sử dụng từ năm 2003, với nhiệm vụ chính là tiêu diệt các mục tiêu bay tầm ngắn và tầm trung của đối phương. Được đặt trên khung gầm xe bánh xích hoặc bánh lốp, Pantsir-S1 được trang bị các pháo phòng không tự động và tên lửa đất đối không để tấn công mục tiêu bay của đối phương.

Tổ hợp Pantsir-S1 được điều khiển và dẫn đường bởi các radar cực nhạy, thiết bị quang học theo dõi mục tiêu và hệ thống máy tính bên trong đài chỉ huy. Tại chiến trường Ukraine, Pantsir-S1 được sử dụng rất phổ biến nhằm bảo vệ các lực lượng Nga trước sức tấn công của tên lửa, hỏa tiễn và UAV Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga trước đó khẳng định tỷ lệ đánh trúng của tổ hợp Pantsir-S1 ở Ukraine lên tới 100%.

Theo mil.in.ua
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine