Nga lên tiếng sau khi ông Trump ra tối hậu thư về chiến sự Ukraine
(Dân trí) - Quan chức ngoại giao Nga nêu quan điểm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ trừng phạt Moscow nếu không đàm phán với Ukraine về cuộc chiến gần 3 năm qua.
Moscow cần thấy rõ nội dung cụ thể trong thỏa thuận về Ukraine mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất, Phó Đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyansky cho biết.
"Đây không chỉ đơn thuần là vấn đề chấm dứt cuộc chiến. Trước tiên và quan trọng nhất, đây là vấn đề giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Vì vậy, chúng ta cần xem rõ khái niệm thỏa thuận theo cách hiểu của Tổng thống Trump có ý nghĩa gì. Ông ấy không chịu trách nhiệm về những gì Mỹ đã làm tại Ukraine kể từ năm 2014, biến Ukraine thành một quốc gia chống Nga và chuẩn bị cho cuộc chiến với chúng tôi, nhưng giờ đây ông ấy có thể ngăn chặn chính sách độc hại này", nhà ngoại giao Nga nói thêm.
Trước đó vào ngày 22/1, ông Trump cảnh báo rằng chính quyền của ông sẽ áp đặt các mức thuế cao và biện pháp trừng phạt mới đối với xuất khẩu của Nga nếu xung đột tại Ukraine không được giải quyết nhanh chóng.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng cho biết ông sẵn sàng thực hiện một "sự hỗ trợ lớn" cho phía Nga, kêu gọi Nga "đưa ra một thỏa thuận". Ông cho rằng, kinh tế Nga đang khó khăn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó khẳng định rằng Moscow sẵn sàng đối thoại về xung đột Ukraine với chính quyền Mỹ mới, với ưu tiên là giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng.
Ông Putin cũng xác nhận rằng Nga đang chú ý đến các tuyên bố của ông Trump và các thành viên trong nhóm của ông về sự sẵn sàng khôi phục liên lạc và sự cần thiết phải làm mọi cách để ngăn chặn Thế chiến III.
Trước đó, Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Yuri Ushakov, cho biết ông Putin đã có cuộc hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 21/1.
Trong cuộc hội đàm, Tổng thống Putin đã đề cập đến tình hình xung đột ở Ukraine. Ông nhấn mạnh, mục tiêu giải quyết tình hình ở Ukraine không phải là ngừng bắn ngắn hạn mà là hòa bình lâu dài dựa trên lợi ích của Nga.
Mặt khác, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng, đạt được hòa bình công bằng cho Ukraine đồng nghĩa với việc Kiev phải nhận được đảm bảo an ninh vững chắc từ các đồng minh, gia nhập Liên minh châu Âu và nhận được lời mời tham gia vào NATO.
Chính vì 2 bên chưa thể thống nhất được các điều kiện tiên quyết để khởi động đàm phán, quá trình thương lượng giữa Nga và Ukraine tới nay vẫn chưa thể kích hoạt trở lại.