Nga không hết tên lửa như phương Tây dự đoán, Ukraine ra sức chịu trận
(Dân trí) - Liên quan đến chiến sự Ukraine, các viện nghiên cứu và cơ quan tình báo phương Tây đã nhiều lần dự đoán rằng, Nga sẽ nhanh chóng cạn kiệt tên lửa, nhưng sự thật thì ngược lại. Vậy đâu là lý do?
Dự đoán không chính xác
Các viện nghiên cứu và cơ quan tình báo phương Tây, đã nhiều lần cho rằng, số lượng tên lửa của Nga sắp hết, "không hôm nay thì ngày mai". Nhưng gần 1.000 ngày của cuộc chiến đã trôi qua, Moscow vẫn chưa cạn tên lửa? Hơn nữa, so với đầu năm 2023, họ đã tăng gần gấp đôi số lần tập kích bằng tên lửa vào các mục tiêu ở Ukraine.
Theo tổng kết của Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), trong năm 2023, Moscow thực hiện 466 vụ phóng tên lửa, nhưng chỉ riêng 4 tháng đầu năm nay, họ tiến hành 800 vụ, gần gấp đôi tổng số cả năm trước.
Đặc biệt, số tên lửa đạn đạo chiến thuật, cũng như tên lửa phòng không được hoán cải để đánh mặt đất như S-300, nhằm vào các mục tiêu của Ukraine ở tuyến đầu thậm chí đã tăng lên không phải là gấp đôi mà nhiều lần.
Một loại vũ khí khác có thể ví như "tên lửa hành trình giá rẻ", được Nga sử dụng nhiều hơn nữa, đó là UAV tự sát Geran-2. Nếu so cùng kỳ năm 2023, số lần sử dụng Geran-2 năm 2024, nhiều hơn khoảng 4 lần, từ mức 425 lên 1.664.
Tổng cục Tình báo quốc phòng Ukraine (GUR) ước tính rằng, kể từ tháng 1 đến đầu tháng 10, Moscow đã sử dụng khoảng 200 tên lửa tầm ngắn và tầm trung mỗi tháng.
Hiện lực lượng Moscow sở hữu khoảng 950 tên lửa đạn đạo chiến thuật và hành trình. Đồng thời, tổ hợp công nghiệp quân sự trong nước, cung cấp cho chiến trường, từ 115-130 tên lửa chiến thuật mỗi tháng.
Số lượng tên lửa trên bao gồm cả loại Kh-31 chống radar và Kh-59 tấn công mặt đất, được trang bị rộng rãi trên các dòng máy bay tiêm kích Su-30SM, Su-34, Su-35, bao gồm cả Su-57 thế hệ năm.
UAV Geran-2 như "đầu rồng": Một cái bị cắt đứt, hai cái mới mọc lên
Mùa hè năm 2023, Nga đã bắt đầu sản xuất UAV Geran-2 - Ukraine và phương Tây cho là sao chép mẫu UAV Shahed-136 của Iran - ở cơ sở Yelabuga và trong vòng một năm, Moscow dự định sản xuất hơn 6.000 chiếc.
Vào năm 2024, lực lượng Moscow bắt đầu chiến dịch săn lùng triệt để lực lượng phòng không Ukraine, lúc đó đã có dấu hiệu hồi phục do sự giúp đỡ của phương Tây và bắn hạ nhiều UAV Geran-2 và trực thăng của Nga.
Trước tình huống đó, Moscow thay đổi chiến thuật, sử dụng ồ ạt UAV Geran-2 làm lực lượng tiên phong trong các cuộc tấn công bão hòa nhằm thu hút sự chú ý của các hệ thống phòng không và ngay sau đó, đòn đánh chí mạng bằng tên lửa bắt đầu trút xuống.
Đây cũng là lý do, tại sao trong năm nay, loại tên lửa tầm ngắn được Moscow sử dụng nhiều hơn so với năm 2023. Loại đạn tên lửa này tuy có tầm bắn tương đối gần, nhưng chủ yếu nhằm mục đích chế áp các hệ thống phòng không (SEAD) của Ukraine, nhất là radar.
Khả năng tấn công liên tục của Moscow vào các mục tiêu trên khắp lãnh thổ đã khiến lưới lửa bảo vệ bầu trời Ukraine chịu áp lực rất lớn.
Đặc biệt, việc lực lượng Kiev mất các thành phần quan trọng, bao gồm cả những hệ thống radar trinh sát của tổ hợp Patriot, nên khả năng ứng phó với các cuộc tấn công tên lửa ngày càng tăng của Nga, trở nên khó khăn hơn.
Sau vụ Nhà máy nhiệt điện Trypilska ở vùng Kiev bị đánh hỏng, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky thừa nhận, nhà máy bị phá hủy vì việc bảo vệ bầu trời của phòng không Ukraine hóa ra không hiệu quả.
Tên lửa chiến thuật nào của Nga có hiệu quả thực chiến tốt nhất?
Một năm trước, các cuộc tấn công bằng tên lửa chiến thuật có thể được tính trên đầu ngón tay, nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, đã có hơn 100 tên lửa hành trình không đối đất Kh-59 được phóng đi. Riêng với tên lửa hành trình tầm xa Kh-101 và Kalibre thì mức độ sử dụng lại giảm, có khả năng do hiệu quả của những tên lửa này không thực sự cao.
Theo đánh giá của RUSI, từ đầu năm đến nay, Moscow sử dụng chưa đến 20 tên lửa hành trình Kh-101 và Kalibr. Theo các nhà phân tích, tổng cộng có ít nhất 800 tên lửa Kalibr đã được sử dụng kể từ thời điểm xung đột bùng nổ. Hiện Nga còn khoảng 270 tên lửa loại này trong kho, nhìn chung vẫn còn "khá đủ".
Tên lửa hành trình Kalibr được phóng từ tàu chiến mặt nước hoặc tàu ngầm của Hải quân Nga. Theo các nguồn tin phương Tây, hiện có một vài tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen được trang bị Kalibr, với khoảng 12 quả mỗi tàu.
Cũng theo RUSI, kinh nghiệm cho thấy, tên lửa hành trình thuộc lớp này được cho là "tương đối" dễ bị bắn hạ.
Vào cuối năm 2022, Ukraine tuyên bố đã đánh chặn được 70-80% tên lửa Kalibr, nếu đúng như vậy thì đây là con số không thể chấp nhận được với Nga, điều này buộc họ phải hạn chế sử dụng chúng.
Trên thực tế, thiết kế và chức năng của tên lửa Kalibr đơn giản hơn nhiều so với tên lửa hành trình tấn công mặt đất phóng từ trên không Kh-101 vốn có khả năng cơ động tốt hơn.
Tên lửa Kh-101 cũng có tỷ lệ bị đánh chặn cao và không đạt yêu cầu do lỗi kỹ thuật như không khởi động được động cơ phóng, hoặc bắn trượt mục tiêu. Vào cuối năm 2022, khoảng một nửa số tên lửa Kh-101 đã bị phòng không Ukraine bắn hạ trong giai đoạn tiếp cận mục tiêu.
Do đó, trọng tâm được chuyển sang tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander và Nga chỉ có khoảng 200 quả và được bổ sung 40 quả mỗi tháng. Tuy nhiên, theo trang tin Bulgarian Military, trong năm 2024, Moscow sử dụng trung bình trên 100 tên lửa Iskander-M một tháng, so với mức trung bình 40-60 quả của năm 2023.
Họ đang nâng cấp tên lửa Iskander-M lên phiên bản Iskander-1000, có tầm bắn 1.000km và độ lệch mục tiêu theo tính toán còn 5m, gây lo ngại cho Kiev. Nhìn chung, lực lượng Moscow "không giới hạn" việc sử dụng tên lửa Iskander-M, trong các cuộc tấn công kiểu "phẫu thuật".
Ngoài ra, các dòng tên lửa tiên tiến nhất của Nga cũng được đưa vào thử nghiệm trong thực chiến, đặc biệt là loại siêu vượt âm 3M22 Zircon.
Mặc dù thông tin về vụ phòng không Ukraine bắn hạ thành công tên lửa Zircon ở ngoại ô Kiev vào ngày 7/2/2024 được một số cơ quan truyền thông đăng tải, cho rằng mảnh vỡ tên lửa có dòng chữ "3M22" được phát hiện, nhưng vẫn chưa có xác nhận chính thức.
Nhìn chung, mặc dù tên lửa Zircon đã được đưa vào sử dụng, nhưng nó đang ở giai đoạn "tinh chỉnh công nghệ". Điểm đặc biệt của tên lửa này là tuy có tốc độ siêu âm, nhưng trong pha cuối tiếp cận mục tiêu, tên lửa vẫn có tốc độ của tên lửa hành trình.
Theo dự báo, kho dự trữ "hàng nóng" Zircon có thể lên tới 40 quả, cộng với khả năng bổ sung hàng chục đạn tên lửa một tháng.
Tên lửa siêu thanh Kinzhal (Dao găm) - được phóng đi từ máy bay chiến đấu MiG-31 - cũng là vũ khí tấn công có giá trị của Nga, vì khó đánh chặn. Năm nay, các cơ quan tình báo phương Tây ghi nhận không quá 25 vụ phóng loại tên lửa này, và số lượng dự trữ của đối phương hiện là khoảng 70 quả.
Ukraine cho rằng, tên lửa Zircon và Dao găm đều có thể trở thành "con mồi" của hệ thống phòng không Patriot ở giai đoạn cuối cùng, khi chúng phải giảm tốc độ bay xuống Mach 3-4.
Câu trả lời của Moscow cho tên lửa Storm Shadow/SCALP
Kể từ mùa đông năm ngoái, một loại tên lửa hành trình tấn công mặt đất phóng từ trên không thế hệ mới của đối phương đã bắt đầu xuất hiện trong số liệu thống kê của Ukraine. Đó là tên lửa Kh-69 được cho là phóng đi từ máy bay chiến đấu tàng hình Su-57.
Kh-69 thực chất là phiên bản hiện đại hóa của tên lửa Kh-59, với đầu đạn lớn hơn và tầm bắn tăng lên. Chính những điều bất ngờ đó đã khiến Nhà máy Nhiệt điện Trypillya ở Kiev bị vô hiệu hóa. Để so sánh: các loại tên lửa Kh-59 hiện đang được Nga sử dụng có tầm bắn 250-280km còn Kh-69 có thể đạt tới 400km.
Kh-69 là tên lửa hành trình không đối đất đặc biệt của Nga. Điều khác thường của nó là bề ngoài trông giống hệt tên lửa hành trình Storm Shadow /SCALP của Anh và Pháp (đã viện trợ cho Ukraine) và Taurus của Đức, tức là có hình dạng khá giống nhau.
Tính năng ưu việt của Kh-69 được cho là nằm ở mặt cắt ngang và thiết kế khí động học theo tiêu chuẩn Châu Âu, giúp giảm thiểu tín hiệu phản xạ radar, chống lại sự đánh chặn của đối phương.
Trên thực tế, Kh-69 là phiên bản nâng cấp sâu của tên lửa Kh-59MK2, được chế tạo đặc biệt cho máy bay chiến đấu tàng hình Su-57.