1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga dùng biện pháp đặc biệt bảo vệ xe tăng trước UAV tự sát Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Để đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ máy bay không người lái (UAV) tự sát của Ukraine, Nga đã triển khai hệ thống phòng vệ đặc biệt lên những chiếc xe tăng của nước này.

Nga dùng biện pháp đặc biệt bảo vệ xe tăng trước UAV tự sát Ukraine - 1

Lớp giáp như lồng chim phủ lên toàn bộ chiếc xe tăng T-62 của Nga nhằm ngăn các cuộc tấn công của UAV Ukraine (Ảnh: Forbes).

Forbes đăng tải hình ảnh từ hiện trường cho thấy Nga đang tìm cách bảo vệ những chiếc xe tăng T-62 đời cũ của nước này trước mối đe dọa bị UAV tự sát phá hủy.

Theo đó, hình ảnh cho thấy, Nga đang sử dụng một chiếc áo giáp giống như lồng chim phủ lên toàn bộ chiếc xe tăng. Trước đó, Nga thường chỉ hàn các lớp giáp lên phần trên của xe tăng để ngăn các vụ tấn công kiểu đột nóc.

Tuy nhiên, giờ đây, Nga đã đặt nguyên một chiếc lồng lên các xe tăng có từ những năm 1960 của họ. Theo Forbes, Nga đã phải đánh đổi tính cơ động của xe tăng để lắp lớp phòng thủ kiên cố xung quanh chiếc xe.

Nga đã tái sử dụng hàng trăm chiếc T-62 cũ bắt đầu từ mùa hè năm 2022, trong một nỗ lực mà phương Tây mô tả là bù đắp việc Moscow bị mất khá nhiều xe tăng hiện đại và họ chưa sản xuất lại kịp những xe bọc thép mới để lấp vào chỗ trống trên tiền tuyến.

Những chiếc UAV giá thành rất rẻ chỉ từ vài trăm tới vài nghìn USD đang được 2 bên tăng cường sử dụng trong cuộc chiến kéo dài hơn 19 tháng qua. Tuy nhiên, chúng đã trở thành một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất cho các xe tăng, thiết giáp chiến đấu.

Ukraine đã mất không ít xe tăng do các UAV của Nga, trong đó có cả những vũ khí phương Tây viện trợ như Leopard 2 do Đức sản xuất hay Challenger 2 của Anh.

Theo Forbes, động thái của Nga nhằm bảo vệ xe tăng khỏi mối đe dọa lớn nhất là UAV của Ukraine, nhưng có thể làm ảnh hưởng tới hiệu suất chiến đấu của những vũ khí này.

Vấn đề nằm ở chỗ, với các xe tăng trên tiền tuyến, việc đánh mất tính cơ động có thể dẫn tới những mối đe dọa khác. Những xe tăng này cần di chuyển nhanh để trú nấp trước tên lửa chống tăng hoặc cơ động linh hoạt nhằm hỗ trợ hoạt động cho các lực lượng khác như bộ binh.

Ngoài ra, chúng cũng cần phải xoay được tháp pháo theo góc 360 độ để có thể tấn công mục tiêu hiệu quả từ nhiều góc độ. Lớp giáp lồng chim có kích thước gấp đôi xe tăng rõ ràng sẽ cản trở khả năng quay và che giấu tháp pháo của xe tăng.

Tuy nhiên, chiếc T-62 nặng 40 tấn với kíp lái 4 người không phải là xe tăng tấn công. Khẩu pháo 115mm trên xe tăng này không mạnh mẽ bằng pháo 125mm trang bị cho các xe tăng mới hơn của Nga.

Tương tự, T-62 có lớp giáp không kiên cố như các xe tăng hiện đại, với khu vực dày nhất chỉ vào khoảng 240mm - bằng 1/4 so với Leopard 2A6 của Ukraine.

Vì vậy, Nga đang triển khai T-62 không phải với vai trò của một xe tăng mà là của một tổ hợp pháo. Xe tăng này có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách 8km. Cùng với các mẫu T-54/T-55 cũ, những chiếc T-62 đang giúp Nga gia tăng sức mạnh hỏa lực trên tiền tuyến và việc bảo vệ chúng là điều cần thiết.

Theo Forbes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine