1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

UAV tự sát Nga có thể đã phá hủy tiêm kích Ukraine trong căn cứ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mạng internet xuất hiện đoạn video được cho ghi lại cảnh UAV tự sát Lancet của Nga tấn công tiêm kích MiG-29 của Ukraine bên trong một căn cứ. Nếu video là thật, nó sẽ đặt ra thách thức mới cho Kiev.

UAV tự sát Nga có thể đã phá hủy tiêm kích Ukraine trong căn cứ - 1

Khoảnh khắc chiếc Lancet lao tới tiêm kích Ukraine (Ảnh chụp màn hình: Forbes).

Forbes đưa tin, ngày 19/9, một đoạn video được đăng tải lên mạng xã hội dường như cho thấy UAV Lancet của Nga đã tấn công vào căn cứ Dolgintsevo ở Kryvyi Rih. Vụ tấn công được cho đã làm hỏng chiếc MiG-29 của Ukraine đang đậu trên đường băng.

Forbes nhận định, không có dấu hiệu cho thấy đoạn video là sản phẩm của dàn dựng và nếu đây là sự thật, nó đặt ra một thách thức lớn cho Không quân Ukraine trong giai đoạn kế tiếp của chiến sự.

Trên thực tế, tổn thất của tiêm kích MiG-29 có thể sửa chữa vì UAV Nga chưa phá hủy hoàn toàn máy bay này. Nhưng đó không phải là vấn đề thực sự. Vấn đề chính ở đây là UAV tự sát của Nga đã tăng tầm tấn công lên tới 72km - khoảng cách từ tiền tuyến ở mặt trận miền Nam tới căn cứ Dolgintsevo.

Trong cuộc chiến kéo dài gần 19 tháng, các lực lượng Nga và Ukraine đều sử dụng UAV cỡ nhỏ để tấn công các hệ thống phòng không, pháo binh, đoàn xe tiếp tế và xe bọc thép của nhau.

Lancet của Nga là một trong những loại UAV hiệu quả nhất của Nga. Nhưng trước đây, một chiếc Lancet cơ bản nặng 11kg có thể chỉ hoạt động tối đa tới 40km. Điều đó có nghĩa là các căn cứ chính của Ukraine, nơi Kiev đặt các tiêm kích MiG và Sukhoi đều nằm ngoài tầm tấn công của Lancet.

Tuy nhiên, vụ tấn công vào căn cứ Dolgintsevo nếu là sự thật thì nó cho thấy Nga đã nâng cấp Lancet thành phiên bản mới và bắt đầu triển khai chúng ra chiến trường.

Truyền thông Nga hồi tháng 8 từng nhắc về biến thể Lancet có tầm tấn công 72km và kỳ vọng UAV phiên bản mới sẽ "không thể bị cản phá".

Trong vụ tấn công vào căn cứ Dolgintsevo, Forbes chú ý tới một chi tiết khác là phòng không Ukraine dường như không hoạt động trong suốt quá trình tập kích. Đây là điều đáng báo động với Ukraine ở khu vực họ đặt khí tài quan trọng như tiêm kích.

Một chiếc Lancet tầm bắn 72km có thể đe dọa không chỉ các máy bay ở Dolgintsevo mà còn bất kỳ máy bay chiến đấu nào của Ukraine đang sử dụng căn cứ dự bị tại Voznesensk ở tỉnh Mykolaiv.

Để giảm thiểu mối đe dọa, các nhà hoạch định không quân Ukraine có thể di chuyển các phi cơ tới các căn cứ xa tiền tuyến hơn, tăng cường bảo vệ đối với các cơ sở dễ bị tấn công hoặc đưa các tiêm kích vào nhà chứa máy bay.

Vài tháng trước, Alexander Zakharov, quan chức cấp cao của tập đoàn ZALA Aero, cho biết Nga đang phát triển biến thể mới của UAV "sát thủ không chiến" Lancet mang tên "Product-53".

Phiên bản mới có thể được phóng từ xa và có khả năng liên lạc với các UAV khác, nhằm tấn công dồn dập theo cơ chế bầy đàn vào mục tiêu đối phương. Khi một UAV trong nhóm phát hiện ra mục tiêu, nó nhanh chóng kết nối với các máy bay không người lái khác để thực hiện nhiệm vụ. 

Cơ chế tấn công bầy đàn là khi một số lượng lớn UAV cùng lao vào một mục tiêu cụ thể. Mục đích của cơ chế nhằm làm rối loạn hệ thống phòng không đối phương nhằm tìm ra lỗ hổng để xuyên qua, đồng thời gây ra sức công phá lớn nhất với những mục tiêu có giá trị.

Theo ông Zakharov, Nga tiếp tục sản xuất Lancet với số lượng lớn. Trong phiên bản mới, nhà thầu ZALA Aero sẽ bổ sung tính năng để người vận hành chọn mục tiêu có giá trị cao cho UAV tấn công.

Sau bước này, UAV sẽ hoạt động hoàn toàn tự động, tự lựa chọn mục tiêu vũ khí hạng nặng, ví dụ như xe tăng, pháo để tập kích.

Theo Forbes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine