1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga có thể đã sử dụng chiến thuật UAV tấn công bầy đàn ở Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Truyền thông Mỹ cho biết, Nga có thể đã sử dụng huy động máy bay không người lái (UAV) với số lượng lớn, tấn công ồ ạt vào mục tiêu Ukraine.

Nga có thể đã sử dụng chiến thuật UAV tấn công bầy đàn ở Ukraine - 1

Bệ phóng có thể giúp Shahed-136 bắn ra ồ ạt với số lượng lớn (Ảnh: Forbes).

Forbes dẫn nguồn tin từ chiến trường cho hay, Nga được cho đã triển khai hàng chục UAV Geran-2 tấn công đồng loạt vào mục tiêu của Ukraine trên chiến trường. Theo giới quan sát, chiến lược này đang gây ra thách thức cho Ukraine trên chiến trường với những thiệt hại trong thời gian qua.

Phương Tây và Ukraine nghi ngờ Geran-2 vốn là UAV cảm tử Shahed-136 do Iran sản xuất và Nga tiến hành sơn lại. Nga và Iran nhiều lần bác bỏ thông tin này.

Wall Street Journal đưa tin, kể từ khi bắt đầu được đưa vào sử dụng vào giữa tháng 9, Shahed-136 đã phá hủy nhiều hệ thống lựu pháo tự hành, xe thiết giáp, cũng như làm nổ tung nhiều mục tiêu quân sự Ukraine.

Theo Forbes, Nga dường như đang sử dụng chiến thuật UAV bầy đàn để nhằm vào các mục tiêu quan trọng của Ukraine như kho đạn, vũ khí.

Trong khi đó, Reuters đưa tin, giới chức Ukraine hồi đầu tuần đã bắt đầu họp để lên kế hoạch đối phó với "dòng vũ khí mới của Nga".

Shahed-136 được xem là một thách thức đặc biệt vì nó có giá rẻ và có thể tấn công mục tiêu với số lượng lớn. Chúng có thể được phóng cùng lúc, bay tầm thấp khoảng 61m với vận tốc 240km/h. Ukraine tuyên bố đã bắn rụng một số UAV này, tuy nhiên, nếu chúng đi thành đội hình đông đúc, việc đánh chặn có thể trở nên khó khăn hơn.

Theo giới quan sát, mỗi chiếc Shahed-136 có giá 20.000 USD, rẻ hơn rất nhiều so với tên lửa. Sải cánh của UAV này vào khoảng 2,5m, có thể mang đầu đạn nặng 36kg.

Các chuyên gia quân sự cho hay, những UAV trên có thể giúp Nga trinh sát đối thủ, đồng thời trở thành loại đạn bay vòng vòng trên trời để chờ thời cơ tấn công phá hủy các mục tiêu của Ukraine.

Vì Shahed-136 có giá rẻ, nên cách đánh chặn tên lửa này đã trở thành chủ đề tranh luận trong giới chuyên gia.

Justin Bronk từ viện RUSI cho rằng, vì Shahed-136 dựa vào "GPS thương mại để điều hướng" nên chỉ cần gây nhiễu GPS thì chúng sẽ bị cản trở hoạt động rất nhiều. Ngoài ra, ông cũng cho rằng các hệ thống phòng kiểu cũ không lắp radar như các xe Gepard của Đức hiện đang được cung cấp cho Ukraine có thể phòng thủ hiệu quả, cùng với các tên lửa vác vai như Stinger.

Tuy nhiên, chuyên gia Oleg Katkov cho rằng việc gây nhiễu GPS có thể hiệu quả nhưng vẫn sẽ cần hệ thống phòng thủ thông thường vì Shahed-136 được tích hợp một hệ thống điều hướng riêng mang tên LORAN.

LORAN có thể ít chính xác hơn GPS nhưng nó dựa vào hệ thống truyền tải thông tin mặt đất, vì vậy khó để gây nhiễu hơn. Vì vậy, nếu chỉ gây nhiễu Shahed-136 là chưa đủ mà Ukraine có thể vẫn phải cần các hệ thống phòng không thông thường.

Mặt khác, ông Katkov cho rằng, việc bắn tên lửa trị giá 300.000 USD để chặn một UAV giá rẻ bằng 1/15 là không bền vững. Việc phòng thủ ồ ạt bằng tên lửa đắt tiền với các mục tiêu giá rẻ không phải là lựa chọn kinh tế và có thể duy trì lâu dài.

Ngoài ra, Shahed-136 có thể được triển khai như mồi nhử tên lửa phòng không của Ukraine, để đánh lạc hướng hỏa lực nhằm vào trực thăng hoặc máy bay có người lái của Nga.

Theo Forbes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm