Nga chế tạo robot tấn công mặt đất tự sát đầu tiên trên thế giới
(Dân trí) - Nhà thầu quốc phòng hàng đầu của Nga tuyên bố chế tạo thành công robot tấn công tự sát mặt đất đầu tiên trên thế giới và đã đem sang Ukraine "thử lửa".
Nga đã tạo ra robot tự sát tấn công trên mặt đất đầu tiên trên thế giới, có tên là "Depesha", được điều khiển bằng tay cầm và mũ gắn thiết bị góc nhìn thứ nhất (FPV), cơ quan báo chí của Tập đoàn Nhà nước Rostec cho biết.
Theo Rostec, robot này được thiết kế để tấn công nhân lực và thiết bị cũng như các công sự của đối thủ.
"Đơn vị High Precision Complexes Holding (một phần của Rostec) đã phát triển tổ hợp robot đa chức năng Depesha và Buggy. Robot Depesha được gắn trên bệ bánh xích và được điều khiển bởi người điều khiển bằng tay cầm và mũ gắn thiết bị FPV. Robot Buggy gắn trên khung gầm bánh xe và được điều khiển bằng tay cầm và máy tính bảng. Cả hai robot đều có thể được sử dụng để tấn công tự sát trên mặt đất nhằm vào mục tiêu của đối thủ", thông báo viết.
Các tính năng quan trọng nhất của robot là nhỏ gọn, khả năng cơ động và tải trọng. Depesha có trọng tải 150kg và máy bay không người lái Buggy có tải trọng 250kg, khiến chúng trở thành vũ khí hiệu quả cho những người lính trên tiền tuyến.
Các phiên bản khác nhau của robot có thể được sử dụng để tấn công nhân lực, công sự của đối thủ như kho đạn, điểm tấn công kiên cố và thành trì. Chúng cũng có thể được sử dụng để vượt qua và phá bỏ các rào cản phòng thủ, chẳng hạn như răng rồng, cho phép xe bọc thép đi qua. Ngoài ra, những robot này có thể đặt mìn.
Depesha và Buggy cũng có thể làm nhiệm vụ tiếp tế thực phẩm, đạn dược và nhiên liệu cho tiền tuyến một cách nhanh chóng và kín đáo và thậm chí sơ tán binh lính bị thương.
Nga hiện đã đưa 2 loại robot này tới Ukraine để thử nghiệm chuyên sâu trong điều kiện thực chiến.
Theo các nhà nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) và giới quan sát, chiến sự Nga - Ukraine có thể là tiền đề cho sự ra mắt của các robot chiến đấu hoàn toàn tự động trên chiến trường.
Nếu điều này xảy ra, nó sẽ đánh dấu một kỷ nguyên mới về tác chiến hiện đại, có thể so sánh với thời điểm mà súng máy xuất hiện dẫn tới sự tái định nghĩa lại các phương pháp chiến đấu.
Sự phát triển của công nghệ không người lái trong thời gian qua khiến các chuyên gia cho rằng, cuộc chiến càng kéo dài thì khả năng các thiết bị tự vận hành xuất hiện càng lớn. Chúng sẽ tự xác định, khóa và tấn công mục tiêu mà không cần sự hỗ trợ từ con người.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất mà các nhà hoạch định chính sách lo ngại chính là liệu công nghệ có đủ sự tin cậy để đảm bảo các vũ khí trên không tấn công nhầm vào những người không tham gia chiến đấu, ví dụ dân thường, hay không.