1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cuộc đấu mặt đối mặt đầu tiên giữa UAV Ukraine và robot chiến đấu Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quân đội Ukraine đăng đoạn video được mô tả là cuộc đối đầu đầu tiên giữa máy bay không người lái (UAV) Ukraine với robot chiến đấu mặt đất của Nga.

Cuộc đấu mặt đối mặt đầu tiên giữa UAV Ukraine và robot chiến đấu Nga - 1

Robot chiến đấu Nga trong đoạn video do quân đội Ukraine đăng tải (Ảnh: Quân đội Ukraine).

Defense Express đưa tin, Lữ đoàn cơ giới độc lập số 47 Magura của Lực lượng vũ trang Ukraine đã công bố đoạn video được mô tả là "cách các cuộc chiến có thể diễn ra trong tương lai".

Theo chuyên trang quân sự Ukraine, đây được xem là cuộc đối đầu đầu tiên giữa UAV Ukraine và robot chiến đấu mặt đất Nga được ghi lại.

Đoạn video cho thấy Nga điều động robot mặt đất được trang bị súng phóng lựu tự động AGS-17. Hai chiếc AGS-17 đã cố gắng bắn phá các vị trí của binh sĩ Ukraine theo hướng Avdiivka.

Tuy nhiên, Ukraine đã phát hiện ra các robot này bằng UAV Mavic và điều động UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) ra tấn công. Kết quả là robot của Nga đã bị phá hủy.

Cuộc đấu mặt đối mặt đầu tiên giữa UAV Ukraine và robot chiến đấu Nga (Video: Quân đội Nga).

Từ năm ngoái, theo các nhà nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) và giới quan sát, chiến sự Nga - Ukraine có thể là tiền đề cho sự ra mắt của các thiết bị chiến đấu hoàn toàn tự động trên chiến trường. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ đánh dấu một kỷ nguyên mới về tác chiến hiện đại, có thể so sánh với thời điểm mà súng máy xuất hiện dẫn tới sự tái định nghĩa lại các phương pháp chiến đấu.

Sự phát triển của công nghệ không người lái trong thời gian qua khiến các chuyên gia cho rằng, cuộc chiến càng kéo dài thì khả năng các thiết bị tự vận hành xuất hiện càng lớn. Chúng sẽ tự xác định, khóa và tấn công mục tiêu mà không cần sự hỗ trợ từ con người.

Ukraine đã có máy bay không người lái (UAV) tấn công bán tự động và vũ khí chống UAV được trang bị chức năng AI. Nga cũng tuyên bố sở hữu vũ khí AI trong biên chế. 

Năm ngoái, truyền thông Nga dẫn nguồn tin cho biết, nước này sẽ tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào robot chiến đấu đang triển khai ở khu vực tiền tuyến tại Ukraine.

Cụ thể, theo nguồn tin, Moscow sẽ tích hợp AI lên robot chiến đấu BR-1 và BRG-1 để làm nhiệm vụ rải mìn và sơ tán những người bị thương trong khu vực diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt.

Zachary Kallenborn, nhà phân tích tại Đại học George Mason, cho biết: "Nhiều nước đang phát triển công nghệ này. Rõ ràng, nó không phải là một loại vũ khí quá khó để chế tạo".

Bộ trưởng phụ trách chuyển đổi kỹ thuật số của Ukraine Mykhailo Fedorov đồng ý rằng thiết bị không người lái tấn công hoàn toàn tự động là "bước tiếp theo hợp lý và không thể tránh khỏi" trong quá trình phát triển vũ khí. Ông cho biết Ukraine đã và đang thực hiện "rất nhiều hoạt động nghiên cứu và phát triển theo hướng này".

Về lý thuyết, AI trên vũ khí không người lái có thể nhận ra các mục tiêu trên chiến trường. Nhưng vấn đề lớn nhất mà các nhà hoạch định chính sách lo ngại chính là liệu công nghệ có đủ sự tin cậy để đảm bảo các vũ khí trên không tấn công nhầm vào những người không tham gia chiến đấu, ví dụ dân thường, hay không.

Theo Defense Express
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine