Nga cảnh báo sau khi EU khởi động đàm phán kết nạp Ukraine, Moldova
(Dân trí) - Điện Kremlin bình luận về động thái của Liên minh châu Âu khi khởi động đàm phán kết nạp 2 nước Liên Xô cũ là Ukraine và Moldova.
Nga ngày 15/12 cho biết quyết định của Liên minh châu Âu về khởi động các cuộc đàm phán với Ukraine và Moldova về việc kết nạp thành viên là một động thái bị chính trị hóa có thể gây bất ổn cho khối, đồng thời đánh giá cao vì Hungary đã phản đối việc này.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên: "Các cuộc đàm phán để gia nhập EU có thể kéo dài nhiều năm hoặc nhiều thập niên. EU luôn đặt ra các tiêu chí nghiêm ngặt để gia nhập và rõ ràng là vào thời điểm hiện tại, cả Ukraine và Moldova đều không đáp ứng được các tiêu chí này".
"Rõ ràng đây là một quyết định hoàn toàn bị chính trị hóa, mong muốn của EU là thể hiện sự ủng hộ đối với các quốc gia này. Nhưng những thành viên mới như vậy có thể gây bất ổn cho EU, và vì chúng tôi sống trên cùng lục địa với EU nên tất nhiên chúng tôi theo dõi rất kỹ động thái này", ông Peskov cho biết.
Tại hội nghị thượng đỉnh hôm thứ 14/12, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine mặc dù nước này đang ở giữa cuộc chiến mà Nga cho biết sẽ theo đuổi cho đến khi đạt được các mục tiêu của mình.
Các nhà lãnh đạo EU đã bỏ phiếu thông qua quyết định trên khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban - người phản đối kết nạp Ukraine - không có trong phòng họp. Các nguồn tin nói rằng, vào thời điểm đó, ông Orban dường như đã ra ngoài đi uống cà phê.
Ông Peskov đã bình luận về động thái này: "Đợi ai đó vắng mặt khi đi uống cà phê để họ có thể đưa ra một số quyết định, nếu điều này là đúng thì đây là một phương án khá độc đáo".
Tại cuộc họp tương tự, EU đã đồng ý trao Gruzia - quốc gia từng là một phần của Liên Xô - tư cách ứng cử viên thành viên. Ông Peskov cũng cho rằng đây là một quyết định bị chính trị hóa và dường như muốn gửi thông điệp tới Nga. Ông cảnh báo, động thái này có thể ảnh hưởng tới quan hệ giữa Nga và EU.
Tại hội nghị thượng đỉnh, các nước thành viên EU đã không thể thông qua gói viện trợ tài chính trị giá 50 tỷ USD cho Ukraine do sự phản đối của Hungary.
"Hungary có lợi ích riêng của họ. Và Hungary, không giống như nhiều nước EU khác, kiên quyết bảo vệ lợi ích của mình, điều này khiến chúng tôi ấn tượng", ông Peskov nói.
Giới quan sát cũng nhận định, dù Ukraine đã đạt được chiến thắng về mặt chính trị khi bắt đầu đàm phán gia nhập EU, nhưng quá trình này sẽ đối mặt rất nhiều thách thức.
Tháng trước, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng Ukraine vẫn cách xa EU "nhiều năm ánh sáng nữa", ngầm ý nói rằng con đường của Kiev gia nhập liên minh còn xa.
Vào thời điểm đó, ông cho rằng EU không nên đàm phán với một quốc gia đang trong tình trạng chiến sự. Thủ tướng Orban cũng lập luận, kết nạp Ukraine vào lúc này sẽ khiến định hướng lại hệ thống phân phối vốn của 27 thành viên EU cho các nước thành viên.
Hungary là thành viên của EU và NATO nhưng theo đuổi đường lối trung lập trong xung đột Nga - Ukraine. Nước này từ chối hỗ trợ vũ khí hoặc thiết bị quân sự cho Ukraine sau khi chiến sự bùng nổ hồi tháng 2/2022.