1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

4 thách thức lớn chờ đón Ukraine trên hành trình chinh phục giấc mơ EU

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới quan sát nhận định dù Ukraine đã đạt được thành công bước đầu trong việc khởi động đàm phán gia nhập EU nhưng hành trình này đối diện hàng loạt thách thức.

4 thách thức lớn chờ đón Ukraine trên hành trình chinh phục giấc mơ EU - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (Ảnh: AFP).

Các lãnh đạo EU ngày 14/12 nhất trí khởi động đàm phán kết nạp Ukraine và Moldova.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ca ngợi động thái này là "một tín hiệu chính trị rất mạnh mẽ", trong khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen mô tả đây là "một quyết định chiến lược và là ngày sẽ còn khắc sâu trong lịch sử liên minh".

Đây được xem là một chiến thắng chính trị quan trọng cho Ukraine sau nhiều năm họ bày tỏ mong muốn được trở thành một phần của Liên minh. Ukraine thậm chí đã đưa cả mục tiêu gia nhập EU vào Hiến pháp. 

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định rằng quá trình này sẽ đối mặt hàng loạt thách thức và các cuộc đàm phán dự kiến sẽ kéo dài hàng năm, do nhiều yếu tố.

Về kinh tế, GDP bình quân đầu người của Ukraine thấp hơn 1/3 mức trung bình của EU xét về sức mua, điều đó có nghĩa là nước này sẽ ngay lập tức trở thành nước nhận được nguồn vốn từ các quốc gia EU khác để cân bằng mức sống và hỗ trợ ngành nông nghiệp.

Một nghiên cứu nội bộ của EU vào tháng 7 cho thấy nếu Ukraine được kết nạp, nước này sẽ nhận được 96,5 tỷ euro (106 tỷ USD) theo Chính sách nông nghiệp chung của khối trong 7 năm và 61 tỷ euro khác theo chính sách gắn kết của EU, nhằm mục đích cân bằng mức sống trên toàn khối.

Nghiên cứu của EU cho biết, tổng cộng, trong ngân sách 7 năm của EU, Ukraine sẽ đủ điều kiện nhận được 186,3 tỷ euro nếu trở thành thành viên. 

Điều này có nghĩa là nhiều quốc gia thành viên đang nhận được vốn sẽ biến thành nước có nghĩa vụ chu cấp tiền. Mặt khác, những nước đang đóng góp chính cho EU sẽ phải chi thêm nhiều tiền hơn. Đây sẽ là vấn đề lớn đối với hầu hết 27 thành viên EU.

Về nông nghiệp, Ukraine là một cường quốc với diện tích đất canh tác là 41 triệu ha. Ukraine xuất khẩu hầu hết các sản phẩm nông nghiệp sang EU. Nhưng nếu Ukraine trở thành thành viên EU, nước này sẽ trở thành một phần của thị trường chung không có thuế quan hay hạn ngạch, nơi hàng hóa có thể di chuyển tự do qua biên giới.

Các quan chức kỳ vọng Ukraine có thể sẽ tăng sản lượng nông nghiệp và xuất khẩu sang EU. Điều này có thể sẽ gây ra phản ứng dữ dội từ nông dân trên khắp EU, tạo áp lực lớn lên các chính phủ. Vụ việc Ba Lan và một số nước EU đơn phương cấm nông sản Ukraine trong năm nay là một ví dụ điển hình cho nhận định trên.

Về nguồn lao động, nếu Ukraine gia nhập EU, toàn bộ thị trường lao động của khối sẽ mở ra hàng triệu người Ukraine, vốn yêu cầu đồng lương thấp hơn. Điều này có thể gây áp lực lên các nước trong khối.

Một lượng lớn công nhân Ba Lan đến Anh sau khi Warsaw gia nhập EU vào năm 2004 là một trong những yếu tố dẫn đến Brexit. Các nước EU khác đã phải có cơ chế chuyển tiếp trước khi mở cửa thị trường lao động cho các thành viên EU mới từ phía đông.

Về an ninh, các hiệp ước của EU bắt buộc các thành viên phải giúp đỡ "bằng mọi cách trong khả năng của mình" khi một quốc gia thành viên bị xâm phạm lãnh thổ. Nếu Ukraine trở thành thành viên EU khi Kiev vẫn đang trong cuộc chiến với Nga thì Liên minh châu Âu sẽ phải thực thi hiệp ước trên.

Ngoài ra, nếu đồng ý kết nạp Ukraine, EU sẽ có một đường biên giới dài mới với Nga và Belarus, điều này có thể tác động mạnh tới tình hình an ninh, di cư và quốc phòng của toàn khối.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm