Nga cảnh báo đáp trả nếu phương Tây vượt lằn ranh đỏ ở Ukraine
(Dân trí) - Nga nêu ra lằn ranh đỏ của họ trong chiến dịch quân sự tại Ukraine, đồng thời tuyên bố có đủ các biện pháp đáp trả trong kịch bản phương Tây lấn qua ranh giới này.
Quan chức Bộ Ngoại giao Nga Alexey Polischchuk ngày 9/10 nói với Tass rằng: "Với các lằn ranh đỏ, chúng tôi đã vạch ra. Đó là việc phương Tây giao vũ khí tầm xa hoặc khí tài mạnh hơn tới Ukraine. Các biện pháp đáp trả cụ thể đối với kịch bản Mỹ và các đồng minh cung cấp vũ khí cho chính quyền Kiev sẽ được xác định sau khi phân tích kỹ lưỡng về tình hình cụ thể".
Ông Polischchuk tuyên bố, Nga có đủ công cụ để triển khai các biện pháp đáp trả cần thiết.
Cũng trong bài trả lời phỏng vấn, nhà ngoại giao Nga cáo buộc Mỹ giúp Ukraine trong việc tuyển mộ lính đánh thuê nước ngoài và chỉ dẫn Kiev trong các hoạt động tác chiến.
"Trên thực tế, Mỹ tiếp tục đổ nhiều vũ khí hạng nặng cho Kiev, cung cấp cho Ukraine dữ liệu tình báo từ nhiều vệ tinh quân sự và thương mại, giúp tuyển mộ lính đánh thuê nước ngoài và đưa ra những chỉ đạo trong các hoạt động chiến đấu. Tất cả những điều đó biến Mỹ thành một bên tham gia trong cuộc xung đột. Nhiều chuyên gia phương Tây thậm chí tin rằng Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến ủy nhiệm với Nga ở Ukraine", ông Polischchuk cho hay.
Nhà ngoại giao Nga cho rằng, Mỹ đang kêu gọi đồng minh cùng thực hiện các hoạt động trên. "Pháp và Đức sẽ mở rộng quy mô viện trợ quân sự và kỹ thuật. Vương quốc Anh tiến hành đào tạo trực tiếp quân đội Ukraine, với sự tham gia của các giảng viên từ Ba Lan, Canada, New Zealand và các nước phương Tây khác. Liên minh châu Âu sẽ thành lập một phái bộ để cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine. Điều này sẽ dẫn đến mức độ tham gia trực tiếp của nước này vào cuộc xung đột", ông cho biết.
Trước đó, truyền thông Mỹ dẫn các nguồn thạo tin trong chính quyền nước này cho biết, Ukraine dường như đã gửi cho Washington danh sách đầy đủ về những mục tiêu của Nga mà họ dự định có thể nhắm tới.
Đây được xem là nỗ lực để thuyết phục chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden cấp cho Ukraine các vũ khí tầm xa, uy lực hơn, ví dụ như tên lửa ATACMS sử dụng trên hệ thống hỏa lực HIMARS.
ATACMS là tên lửa đất đối đất có tầm bắn 300km, gấp 4 lần các tên lửa GMLRS mà Mỹ đang cấp cho Ukraine để sử dụng trên hệ thống HIMARS, với tầm tấn công 70-80km.
Mỹ trước đó nhiều lần từ chối đề nghị từ Ukraine nhằm cấp cho Kiev các tên lửa tầm xa hơn, vì lo ngại chúng sẽ được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga, diễn biến có thể làm leo thang xung đột và có khả năng dẫn đến Thế chiến III.
Việc Ukraine gửi danh sách mục tiêu Nga cho Mỹ được xem là động thái nhằm bảo đảm Kiev sẽ không sử dụng vũ khí của Washington tấn công vào trong lãnh thổ Nga, theo giới quan sát.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 21/9 cáo buộc phương Tây "tống tiền hạt nhân" Nga. Ông cảnh báo, Nga có nhiều vũ khí để đáp trả mối đe dọa từ phương Tây và đây không phải là tuyên bố nhằm hù dọa.
"Nếu toàn vẹn lãnh thổ của Nga bị đe dọa, chúng ta sẽ dùng mọi biện pháp sẵn có để bảo vệ Nga và người dân", ông Putin nói, ám chỉ việc sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân để phòng vệ.