1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine chỉ trích Đức vì viện trợ vũ khí không đúng như đề nghị

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nhà ngoại giao Ukraine chỉ trích Đức vì Berlin không viện trợ đúng loại vũ khí mà Kiev đang cần nhất, dù Ukraine nhiều lần đề nghị.

Ukraine chỉ trích Đức vì viện trợ vũ khí không đúng như đề nghị - 1

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (Ảnh: Reuters).

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba chỉ trích Đức không viện trợ xe tăng cho Kiev để đối phó với chiến dịch quân sự đã kéo dài gần 7 tháng của Nga. Ông Kuleba cho rằng, các khí tài mà Đức cam kết chuyển cho Ukraine "không phải những thứ mà chúng tôi cần nhất".

Đức hôm 15/9 thông báo sẽ viện trợ Ukraine các hệ thống rocket phóng loạt và thiết giáp chở quân Dingo trong bối cảnh Kiev đang tăng tốc chiến dịch phản công Nga trên toàn tuyến.  

Tuy nhiên, ông Kuleba cho rằng, quyết định của Đức viện trợ các vũ khí trên là "bí ẩn" và có một "bức tường vũ khí" ở Berlin mà Thủ tướng Đức Olaf Scholz cần phải phá bỏ.

"Chúng tôi đề nghị Đức viện trợ xe tăng Leopard, xe thiết giáp Marder và Đức viện trợ xe thiết giáp Dingo. Chúng tôi rất biết ơn về điều đó, nhưng đây không phải là thứ chúng tôi cần nhất trong chiến sự. Vấn đề ở đây là gì? Vì sao chúng tôi không thể có được thứ chúng tôi cần và Đức đang có vũ khí gì", ông Kuleba nói.

"Tôi cho rằng đang có một bức tường vũ khí ở Berlin và giờ là lúc để ông Scholz phá bỏ bức tường đó", nhà ngoại giao Ukraine kêu gọi.

Đức đã gửi nhiều vũ khí cho Ukraine để đối phó Nga trong gần 7 tháng qua, nhưng tới nay vẫn không đồng ý chuyển xe tăng Leopard và thiết giáp Marder mặc dù Kiev đã nhiều lần đề nghị được nhận các khí tài này.

Đức cho biết, họ sẽ không đi một mình một đường trong việc viện trợ vũ khí cho Ukraine. Berlin chỉ ra rằng, chưa có bất cứ nước NATO nào chuyển xe tăng do phương Tây sản xuất tới Ukraine.

Trong khi đó, các quan chức Lầu Năm Góc nói với Politico rằng, Ukraine đã ngừng yêu cầu công khai Mỹ viện trợ các vũ khí tối tân như hệ thống phòng không Patriot, tiêm kích F-16 và máy bay không người lái Gray Eagle.

Tuy nhiên, sau hậu trường, Ukraine vẫn âm thầm thúc đẩy Mỹ chuyển các khí tài mà họ cho rằng có thể làm xoay chuyển tình thế.

Giới quan sát nhận định, sự thay đổi trên là vì Ukraine dường như đang muốn tập trung để yêu cầu các vũ khí mà họ cần ngay bây giờ để thực hiện chiến dịch phản công.  

Các nguồn tin nói rằng, các cố vấn ở Ukraine bày tỏ lo ngại rằng nếu Ukraine liên tục công khai đề nghị được cấp vũ khí hạng nặng hiện đại như tiêm kích, nó sẽ làm ảnh hưởng tới nhu cầu tức thời trên chiến trường của Ukraine - ví dụ như các hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS.  

Mỹ có nhiều tính toán khi chần chừ trong việc chuyển tiêm kích F-16 hay Patriot cho Ukraine. Thứ nhất, Mỹ lo ngại Nga sẽ coi đây là động thái khiêu khích. Thứ hai, viện trợ hệ thống vũ khí phức tạp có thể sẽ trở thành thách thức cho Ukraine về cả yếu tố huấn luyện, hậu cần trong lúc họ đang dồn lực để phản công Nga.

Mặt khác, các đồng minh NATO của Mỹ cũng muốn các vũ khí này. Ví dụ, các nước NATO ở Đông Âu đang dần thay thế các khí tài từ thời Liên Xô bằng các vũ khí phương Tây sản xuất. 

Theo Kiyv Post, Politico
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine