1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nga biến vũ khí tịch thu của Ukraine thành xe tăng không người lái

Đức Hoàng

(Dân trí) - Từ chiếc xe tăng tịch thu của Ukraine, Nga tiến hành hoán cải, sửa chữa biến nó thành một phương tiện chiến đấu không người lái.

Nga biến vũ khí tịch thu của Ukraine thành xe tăng không người lái - 1

Hình ảnh cắt từ video cho thấy binh sĩ Nga điều khiển một xe tăng không người lái bằng tay cầm (Ảnh: The War Zone).

The War Zone đăng tải một đoạn video được cho là ghi lại cảnh Nga thử nghiệm một chiếc xe tăng không người lái sử dụng công nghệ góc nhìn thứ nhất (FPV).

Theo chuyên trang quân sự, điểm đặc biệt chính là Nga đã sử dụng xe tăng chiến lợi phẩm T-72AMT tịch thu từ Ukraine để tạo ra vũ khí nói trên.

Theo nhóm tình báo nguồn mở Oryx, có khoảng 6 chiếc T-72AMT của Ukraine đã bị lực lượng Nga thu giữ, nhưng con số thực tế có thể cao hơn. T-72AMT là biến thể nâng cấp của T-72A. Mẫu đầu tiên được bàn giao cho lực lượng vũ trang Ukraine vào năm 2017.

Đoạn video bắt đầu bằng cảnh quay hướng về phía trước từ bên trong khoang lái của xe tăng. Sau đó, hình ảnh cho thấy một người lính Nga đang cầm chiếc điều khiển từ xa khi đứng ở rìa cánh đồng. Phần tháp pháo có chế độ điều khiển góc nhìn thứ nhất (FPV) hoặc toàn bộ xe tăng có tùy chọn điều khiển FPV.

Dựa vào tính năng này, một binh sĩ Nga vận hành xe tăng bằng hệ thống điều khiển từ xa cầm tay.

Một đoạn video khác cho thấy một người lính đang điều khiển tháp pháo trên cùng của xe tăng bằng hệ thống điều khiển từ xa nói trên.

Chưa rõ mục đích Nga bổ sung tính năng điều khiển từ xa cho xe tăng thu được từ Ukraine. Tuy nhiên, trong lịch sử quân sự thế giới, từng có tiền lệ về việc sử dụng xe tăng điều khiển từ xa trong các hoạt động rà phá bom mìn.

Trong cuộc chiến, Nga thường xuyên cải tiến và nâng cấp vũ khí để thích nghi với tình hình thực tế. Ví dụ, Nga gần đây đã nâng cấp thêm giáp cho xe tăng chiến đấu chủ lực, biến chúng thành phiên bản "mai rùa".

Trong một cuộc chiến khốc liệt, nơi các chiến thuật thường xuyên thay đổi, việc cải tạo, nâng cấp vũ khí là cần thiết, đặc biệt là vũ khí không người lái.

Ưu điểm lớn nhất của vũ khí không người lái là giảm thiệt hại tối đa về nhân lực, đồng thời cho phép vũ khí thực hiện các nhiệm vụ khó và nguy hiểm một cách dễ dàng hơn.

Nga biến vũ khí tịch thu của Ukraine thành xe tăng không người lái - 2

Vũ khí không người lái ngày càng được sử dụng rộng rãi ở Ukraine (Ảnh: The War Zone).

Theo các nhà nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) và giới quan sát, chiến sự Nga - Ukraine có thể là tiền đề cho sự ra mắt của các robot chiến đấu hoàn toàn tự động trên chiến trường.

Nếu điều này xảy ra, nó sẽ đánh dấu một kỷ nguyên mới về tác chiến hiện đại, có thể so sánh với thời điểm mà súng máy xuất hiện dẫn tới sự tái định nghĩa lại các phương pháp chiến đấu.

Sự phát triển của công nghệ không người lái trong thời gian qua khiến các chuyên gia cho rằng, cuộc chiến càng kéo dài thì khả năng các thiết bị tự vận hành xuất hiện càng lớn. Chúng sẽ tự xác định, khóa và tấn công mục tiêu mà không cần sự hỗ trợ từ con người.

Hồi đầu tháng, nhà thầu quốc phòng hàng đầu của Nga Rostec tuyên bố chế tạo thành công robot tấn công tự sát mặt đất đầu tiên trên thế giới và đã đem sang Ukraine "thử lửa".

Theo The War Zone
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm