1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga bác ý tưởng hòa đàm theo điều khoản của Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Moscow tuyên bố sẽ không có việc Nga đồng ý đàm phán với Ukraine theo điều khoản của Kiev vào cuối năm 2024 như một quan chức Mỹ nói.

Nga bác ý tưởng hòa đàm theo điều khoản của Ukraine - 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova (Ảnh: TASS)

"Lại một ý tưởng nực cười nữa", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói khi được đề nghị bình luận về phát ngôn gần đây của Phó Cố vấn của Tổng thống Mỹ về an ninh quốc gia Jonathan Finer rằng Washington sẽ ép Nga đàm phán theo các điều khoản có lợi cho Ukraine vào cuối 2024.

Bà Zakharova nhấn mạnh thêm: "Có lẽ ông Finer đã quên ông ấy từng nói gần đây rằng cần phải chiến đấu cho đến khi giành được chiến thắng cuối cùng hay cho đến người Ukraine cuối cùng, bởi vì đó là điều mà Mỹ đã biến tình hình ở Ukraine thành một tình thế khó khăn".

Tuần trước, phát biểu tại một hội nghị, ông Finer cho biết: "Chúng tôi mong muốn, vào cuối năm sau, Ukraine sẽ ở tình thế mà Nga phải quyết định hoặc ngồi vào bàn đàm phán theo những điều khoản được Kiev chấp nhận và dựa trên hiến chương Liên hợp quốc vốn ấn định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của toàn bộ Ukraine, hoặc phải đối phó với một Ukraine mạnh hơn, được hỗ trợ bởi ngành công nghiệp mạnh hơn ở Mỹ và châu Âu".

Vị quan chức này giải thích, đây chính xác là tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Mỹ muốn tạo cho Nga.

Mỹ là quốc gia viện trợ cho Ukraine nhiều nhất kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2 năm ngoái. Tuy nhiên, dòng viện trợ này đang bị ảnh hưởng do vấp phải sự phản đối của một bộ phận nghị sĩ Cộng hòa.

Trong một nỗ lực nhằm thuyết phục giới chức Mỹ duy trì viện trợ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đầu tuần này đã thăm Mỹ theo lời mời của Tổng thống Joe Biden.

Chuyến thăm diễn ra ngay trước cuộc bỏ phiếu quan trọng tại quốc hội Mỹ về vấn đề hỗ trợ an ninh. Quốc hội Mỹ đã phê duyệt hơn 110 tỷ USD hỗ trợ cho Ukraine kể từ khi xung đột với Nga nổ ra, nhưng chưa phê duyệt các khoản tài trợ mới kể từ khi đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Hạ viện vào đầu năm nay.

Tuy nhiên, nỗ lực của ông Zelensky dường như không thể lay chuyển lập trường của đảng Cộng hòa Mỹ. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson hôm qua nói rằng, đảng Cộng hòa ủng hộ Ukraine, nhưng sẽ không gửi thêm viện trợ cho đến khi phe Dân chủ chấp nhận một sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong chính sách nhập cư và biên giới.

Về phần mình, Tổng thống Biden tuyên bố, người Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine những vũ khí quan trọng chừng nào chúng tôi có thể, bao gồm cả gói viện trợ 200 triệu USD mà tôi vừa phê duyệt hôm nay. Chúng tôi muốn nhìn thấy Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Chiến thắng để đảm bảo Ukraine là một quốc gia độc lập, có chủ quyền", chủ nhân Nhà Trắng nhấn mạnh.

Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, cho dù kết quả cuộc hội đàm giữa lãnh đạo Mỹ và Ukraine ra sao, Nga sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt.

"Mọi người đều có thể nhận thấy rằng dù đã được bơm hàng chục tỷ USD viện trợ, nhưng Ukraine vẫn không thể đạt bất cứ thành công nào trên chiến trường. Những viện trợ đó không thể giúp Ukraine xoay chuyển cục diện chiến trường hay cản trở chiến dịch quân sự đặc biệt của chúng tôi", ông Peskov nói.

Theo TASS, Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine