Mỹ có thể "mềm nắn, rắn buông" để thuyết phục Nga tạm ngừng bắn với Ukraine
(Dân trí) - Chuyên gia chỉ ra những động thái mà Mỹ có thể thực hiện để thuyết phục Nga đồng ý đề xuất ngừng bắn tạm thời 30 ngày với Ukraine.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin năm 2018 (Ảnh: AFP).
Trong các cuộc đàm phán cho đến nay, đội ngũ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cách tiếp cận tương đối linh hoạt trước các yêu cầu của Nga, nhượng bộ một số điều ngay cả trước khi quá trình đàm phán hòa bình thực sự bắt đầu. Nhưng giờ đây, tính toán đã thay đổi.
Tại Ả rập Xê út, Mỹ đã thành công trong việc thuyết phục Ukraine chấp nhận đề xuất ngừng bắn trong 30 ngày, một lệnh ngừng chiến toàn diện hơn so với kế hoạch của Anh và Pháp, vốn chỉ đề xuất dừng các cuộc tấn công trên biển và trên không.
Sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố, quả bóng giờ đây nằm trong sân của Nga.
Cho đến nay, Tổng thống Vladimir Putin dù tuyên bố Nga mong muốn hướng tới hòa bình nhưng thể hiện rõ quan điểm sẽ không chấp nhận các lệnh ngừng bắn tạm thời. Nga hiện chưa lên tiếng về đề xuất mới nhất của Mỹ - Ukraine trong bối cảnh Moscow đang giành ưu thế rõ ràng trên tiền tuyến.
Tại cuộc họp báo thường niên vào tháng 12 năm ngoái, ông Putin từng tuyên bố rằng một khoảng dừng chiến sự chỉ tạo cơ hội cho Ukraine tái vũ trang và bổ sung kho khí tài quân sự.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga hiện đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan vì ông Rubio đã nói, nếu Nga không chấp nhận thỏa thuận, "chúng ta sẽ biết ai thực sự đang cản trở hòa bình".
Theo Telegraph, nếu Moscow không đồng ý ngừng bắn 30 ngày, Mỹ và ông Trump có thể có một số lựa chọn để phản ứng lại với quyết định của Nga.
Chắc chắn rằng, trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo dự kiến diễn ra trong tuần này, ông Trump có thể sẽ đề cập đến những rủi ro nếu ông Putin tiếp tục trì hoãn hoặc từ chối thỏa thuận hiện có.
Có nhiều yếu tố mà ông Trump có thể tận dụng. Quan trọng nhất, ông có thể đặt điều kiện rằng việc chấm dứt thế cô lập ngoại giao đối với Moscow và tham gia vào hàng loạt dự án kinh tế chung trong tương lai sẽ phụ thuộc vào việc thực thi lệnh ngừng bắn 30 ngày này.
Ông Putin từ lâu đã coi sự hiện diện của quân đội NATO gần biên giới Nga là một sự khiêu khích không thể chấp nhận được. Có những suy đoán rằng, trong một thỏa thuận hòa bình cuối cùng, ông Trump có thể rút một phần trong số 30.000 quân Mỹ đang đóng tại châu Âu, qua đó giúp Moscow giảm bớt "rủi ro an ninh".
Ông Trump có thể gợi ý rằng, cách duy nhất để ông có thể thực hiện một bước đi gây tranh cãi như vậy là nếu ông Putin ngay lập tức chứng minh thiện chí hòa bình của mình, một động thái không chỉ giúp hai nhà lãnh đạo "phá tan" những dự đoán bi quan từ các nước phương Tây mà còn nâng cao vị thế của họ.
Ngoài ra, ông Trump cũng có thể ràng buộc việc Nga được tái chấp nhận vào các diễn đàn ngoại giao khác với tiến trình thực hiện lệnh ngừng bắn nhanh chóng.
Đối với ông Putin, một lệnh tạm dừng chiến sự trong 30 ngày - khoảng thời gian không đủ để thay đổi cục diện chiến trường - có thể là một sự đánh đổi nhỏ để mang lại viễn cảnh bình thường hóa quan hệ với Mỹ và củng cố lập trường phản đối NATO của ông.
Để tác động lên Nga, có thể hình dung ông Trump sẽ đưa ra một danh sách đầy đủ các dự án ngoại giao và kinh tế tiềm năng, chẳng hạn như hợp tác khai thác Bắc Cực.
Yếu tố quan trọng thứ 2 là các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đang áp đặt lên Nga.
Đầu tháng này, ông Trump đã lần đầu tiên bày tỏ sự bức xúc với Moscow, cảnh báo rằng ông sẵn sàng áp đặt thêm lệnh trừng phạt nếu Nga tiếp tục "tấn công Ukraine trong khi ông đang cố gắng thúc đẩy hòa bình".
Dù Washington không còn nhiều không gian để gia tăng trừng phạt lên ngành công nghiệp Nga, Mỹ vẫn có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp lên các quốc gia đã giúp Nga né tránh trừng phạt.
Ngược lại, Tổng thống Mỹ cũng có thể cam kết dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng Nga - một yêu cầu quan trọng của ông Putin - nếu Nga thực hiện lệnh ngừng bắn 30 ngày.
Ông Trump có thể đưa ra đề nghị: "Hãy ngừng chiến sự, và chúng ta có thể ngay lập tức thảo luận về việc dỡ bỏ trừng phạt".
Ngoài ra, Mỹ có thể thuyết phục Nga bằng những lợi ích cụ thể, chẳng hạn như đề xuất mua lại dự án đường ống Nord Stream 2 và giám sát việc vận hành các đường ống đưa khí đốt Nga trở lại châu Âu.
Yếu tố cuối cùng mà Mỹ có thể tận dụng là khí tài quân sự và sự hỗ trợ cho Ukraine. Quân đội Nga đã nhanh chóng tiến sâu vào Kursk sau khi ông Trump quyết định đình chỉ chia sẻ thông tin tình báo. Sau cuộc họp ngày 11/3 tại Jeddah, viện trợ đã được nối lại.
Nga có thể sẽ tìm cách đưa việc hạn chế hỗ trợ quân sự vào trong thỏa thuận ngừng bắn ban đầu. Điều này sẽ không làm Kiev hay các đồng minh châu Âu hài lòng, nhưng ông Trump có thể lại một lần nữa đình chỉ viện trợ quân sự, viện dẫn mong muốn đóng vai trò "trung lập" trong tiến trình hòa bình.
Nếu đó là "củ cà rốt", thì "cây gậy" là một loạt biện pháp leo thang, chẳng hạn như tăng cường đáng kể việc cung cấp xe tăng, tên lửa và phương tiện chiến đấu bọc thép cho Ukraine.