"Mưa" rocket từ Hamas làm lộ sơ hở của lá chắn "Vòm sắt" Israel
(Dân trí) - Hàng nghìn rocket dội dồn dập về phía Israel trong vài ngày qua đã đặt ra thách thức lớn cho lá chắn "Vòm sắt" uy lực của Nhà nước Do Thái.
Lực lượng vũ trang Hamas của người Palestine từ ngày 10/5 đã nã hơn 1.000 rocket và đạn cối về phía Israel. Hệ thống "Vòm sắt" và tên lửa Tamir nổi tiếng của Nhà nước Do Thái đã thể hiện khả năng đánh chặn khá hiệu quả, với hiệu suất 85-90% ở các khu vực đông dân cư.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, Hamas dội số lượng lớn, hàng loạt rocket giá thành thấp vào Israel liên tục trong nhiều ngày, trong khi "Vòm sắt" đang dùng các tên lửa giá thành đắt hơn nhiều để đối phó đã gây nên bất lợi nhất định về mặt ngân sách cho Israel.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, việc tấn công ồ ạt là chiến thuật của Hamas nhằm làm "Vòm sắt" hoạt động quá tải để từ đó tìm điểm yếu của hệ thống uy lực này.
Theo The Drive, các vụ tấn công của Hamas trong vài ngày qua được xem là đòn tấn công sử dụng nhiều rocket nhất trong lịch sử mà Hamas từng nhằm vào Nhà nước Do Thái. Israel cũng đã nhanh chóng tấn công đáp trả vào các mục tiêu của Hamas ở Dải Gaza, với số vụ không kích lên tới hàng trăm.
Các vụ tấn công qua lại những ngày qua đánh dấu cuộc xung đột dữ dội nhất giữa Hamas và Israel từ năm 2014 tới nay. Cường độ của các vụ tấn công từ Hamas vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, với hàng trăm rocket phóng ra mỗi lần.
Một hệ thống "Vòm sắt" gồm 3-4 bệ phóng, mỗi bệ phóng được trang bị tối đa 20 tên lửa đánh chặn Tamir, cùng các radar. "Vòm sắt" tác chiến gần như tự động hóa trong nhiều quá trình khi nó sẽ truy dò, định vị các mối đe dọa, rồi đánh chặn.
Mỗi tên lửa đánh chặn Tamir sẽ có bộ phận dò tìm radar, kết nối 2 chiều với hệ thống điều khiển để nhận thêm thông tin cần thiết khi tác chiến. Ngòi nổ trên Tamir hoạt động theo cơ chế phân mảnh, sử dụng mảnh vỡ để hạ gục mục tiêu.
"Vòm sắt" có khả năng đánh chặn cả tên lửa hành trình, máy bay không người lái (UAV) cỡ nhỏ, máy bay di chuyển ở tầm thấp.
Hệ thống đánh chặn này rất uy lực và có tỷ lệ đánh chặn cao, nhưng Israel cũng thừa nhận rằng không phải lúc nào nó cũng đánh trúng trong các cuộc tấn công của Hamas thời gian qua. Có những thông tin về việc hệ thống này gặp phải tình trạng quá tải, khi các rocket ồ ạt lao đến. Dù sở hữu khả năng đánh chặn với hiệu quả cao, nhưng với việc quá nhiều tên lửa bay tới cùng một lúc, không có gì đảm bảo "Vòm sắt" sẽ không để lọt mục tiêu.
Theo The Drive, Hamas được cho đã tăng trữ lượng rocket và đạn cối trong thời gian qua để chuẩn bị cho kịch bản tấn công ồ ạt như những ngày qua. Ngoài ra, Hamas được cho đã phóng rocket ở quỹ đạo rất thấp, thay vì theo đường đạn bay kiểu cầu vồng thông thường. Đây cũng được cho là chiến thuật nhằm giảm hiệu quả của phòng không Israel.
Vấn đề chi phí
Một hệ thống "Vòm sắt" có thể phóng ra khoảng 60-80 tên lửa Tamir cùng một lúc. Israel được cho đang trang bị 15 khẩu đội "Vòm sắt" hoàn chỉnh. Các hệ thống được phân bổ để bọc lót cho nhau, nhưng rất khó để xoay xở nếu chúng phải hứng một cuộc tấn công ồ ạt cùng lúc từ một hướng. Nói cách khác, trong nhiều tình huống, nếu số rocket lao tới đồng loạt, một hệ thống "Vòm sắt" có thể không đánh chặn kịp và làm lọt mục tiêu.
Thông thường, Israel sẽ dùng 2 quả Tamir để đánh 1 mục tiêu nhằm tăng tỷ lệ đánh trúng, nhưng chiến thuật này chỉ hiệu quả với số lượng ít rocket để phóng ra và không phù hợp khi Hamas trút tên lửa như "mưa".
Vấn đề về chi phí được cho cũng làm Israel phải cân nhắc. Mỗi quả Tamir có giá vào khoảng 40.000-100.000 USD. Để đánh chặn 1.000 quả rocket của Hamas, Israel có thể phải tốn tới 40-100 triệu USD trong vài ngày qua.
Trong khi đó, rocket của Hamas là loại hỏa lực không dẫn đường nên chắc chắn sẽ rẻ hơn nhiều so với Tamir, với một số nguồn tin nói rằng nó có thể chỉ rơi vào khoảng 500-600 USD/quả. Ngoài ra, quân đội Israel thống kê rằng, Hamas có ít nhất 4.564 rocket và đạn cối, tạo ra mối đe dọa đáng kể đến "Vòm sắt" và Israel.