1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc nhăm nhe vượt Mỹ ở "đấu trường" Trung Đông

Thanh Thành

(Dân trí) - Việc Trung Quốc đề nghị tổ chức đàm phán hòa bình giữa Israel - Palestine được xem là "cơ hội vàng" để Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông cũng như nỗ lực vượt Mỹ khỏi "đấu trường mới" này.

Trung Quốc nhăm nhe vượt Mỹ ở đấu trường Trung Đông - 1

Trung Quốc muốn tận dụng những điểm yếu của Mỹ trong vấn đề Trung Đông để mở rộng ảnh hưởng ở khu vực này (Ảnh minh họa: AP).

Trong chuyến công du Trung Đông vào tháng 3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cam kết Bắc Kinh sẽ đóng "vai trò mang tính xây dựng" trong việc giải quyết các cuộc xung đột kéo dài ở khu vực. Ông thật sự gây bất ngờ khi đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình Israel - Palestine tại Bắc Kinh.

Hơn 2 tháng trôi qua, trong khi nhiều người có lẽ đã quên lời đề nghị này, xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine tại Dải Gaza bất ngờ bùng nổ. Và một lần nữa, khi chủ trì cuộc họp tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 16/5, ông Vương Nghị đưa ra lời đề nghị trên, đồng thời chỉ trích Washington vì đã liên tục ngăn cản thông qua một tuyên bố chung kêu gọi chấm dứt xung đột. Và rồi, chỉ vài giờ sau khi lệnh ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian có hiệu lực vào sáng 22/5, Bắc Kinh ngay lập tức lên tiếng, đồng thời kêu gọi các bên quay trở lại bàn đàm phán hòa bình đang bị đình trệ.

Giới chuyên gia cho rằng, với những động thái bất ngờ này, Trung Quốc dường như muốn tìm kiếm vị thế trung gian hòa bình Trung Đông thay thế Mỹ, tận dụng những điểm yếu của Washington để giải quyết "thùng thuốc súng đang bén lửa" này.
"Thật đáng tiếc, chỉ vì một số nước ngăn cản, Liên Hợp Quốc đã không thể tìm được tiếng nói chung", ông Vương Nghị nói trong phiên họp trực tuyến, đề cập đến việc Washington liên tục ngăn cản một tuyên bố chung lên án bạo lực ở Trung Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh thẳng thắn hơn, cáo buộc Washington "phớt lờ nỗi đau" của người dân Palestine trong khi lại lôi kéo các nước lên án Trung Quốc về cách đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. "Mỹ nên nhận ra rằng, mạng sống của người Hồi giáo ở Palestine cũng quý giá như nhau", bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh.

Ông Gal Luft, đồng Giám đốc của Viện Phân tích An ninh Toàn cầu ở Washington, cho rằng, cuộc khủng hoảng Israel - Hamas lần này mở ra "cơ hội vàng" cho Trung Quốc. Xung đột bùng nổ ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7 và NATO vào tháng 6 tới, tại đó Washington dự kiến kêu gọi các nước cùng lên án Trung Quốc vì những vấn đề liên quan người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Theo các nhà quan sát, dù cuộc xung đột mới khiến Washington rơi vào tình thế khó, nhưng đây cũng là một phép thử đối với cam kết của Bắc Kinh trong khu vực và chứng tỏ năng lực đảm nhận vai trò lớn hơn.

Trung Quốc có thể thay thế Mỹ?

Trung Quốc lâu nay vẫn luôn thận trọng, không muốn can dự vào các cuộc xung đột ở  Trung Đông - khu vực chưa bao giờ yên ả - để tránh bị sa lầy. Ngoài việc kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và lên án việc sử dụng vũ lực đối với dân thường, Bắc Kinh hiếm khi đề cập đến cách thức và ai sẽ cung cấp nền tảng cho các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, cùng với những tham vọng kinh tế ngày càng lớn và sự hiện diện ngoại giao ngày càng tăng trong khu vực, Bắc Kinh ngày càng "dấn thân" hơn.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc cố gắng trở thành trung gian hòa giải giữa Palestine và Israel. Năm 2013, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã mời người đồng cấp Palestine Mahmoud Abbas và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng đến Bắc Kinh, đánh dấu động thái hiếm hoi, cũng như cho thấy mối quan tâm lớn hơn của Trung Quốc cho tiến trình hòa bình Trung Đông. Bắc Kinh cũng đã tổ chức một cuộc họp ba bên với các phái đoàn của cả hai nước vào năm 2017.

Các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông đã bị đình trệ kể từ năm 2014 do Palestine từ chối lời đề nghị hòa giải của Mỹ với lý do Washington ủng hộ Israel. Với việc chìa bàn tay với cả người Israel và Palestine, Bắc Kinh chủ yếu muốn tất cả các nước trong vùng thấy rằng, Trung Quốc sẵn sàng gánh vác vai trò "một cường quốc" chứ không phải chỉ chăm chăm nhìn vào nguồn lợi kinh tế ở đây.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, dù tham vọng rất lớn, Trung Quốc vẫn chưa đủ lực để thay thế vai trò của Mỹ trong khu vực này. Israel và ngay cả Palestine dường như không mấy mặn mà với những đề nghị của Trung Quốc. Trong chuyến đi tới Bắc Kinh năm 2017, người phát ngôn Quốc hội Israel (Knesset) lúc đó là Hilik Bar nói rằng, Trung Quốc "không nên thay thế Mỹ mà hãy đứng về phía Washington".

Các nhà lãnh đạo Palestine có quan tâm đến lời đề nghị hòa giải của Bắc Kinh, nhưng cho biết cần ưu tiên tổ chức "một hội nghị quốc tế". Các nước Ả Rập cũng cho rằng, những ý kiến đề xuất của Bắc Kinh rất mơ hồ. "Đề xuất của Trung Quốc quá chung chung, đơn giản và bỏ qua nhiều vấn đề thâm căn cố đế. Trung Quốc có thể mời các bên xung đột đàm phán, nhưng chính các cuộc đàm phán đó không giải quyết được vấn đề gì", Yun Sun, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Stimson ở Washington, cho biết.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc nên cảm thấy hài lòng với vai trò hiện tại, chấp nhận thực tế là nước này cũng dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh trong khu vực .