1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Uy lực lá chắn "Vòm sắt" giúp Israel vô hiệu hóa nghìn tên lửa từ Gaza

Minh Phương

(Dân trí) - Nhờ lá chắn tên lửa "Vòm sắt", Israel đã chống đỡ được "mưa" tên lửa từ Dải Gaza trong ba ngày trở lại đây.

Israel tuyên bố đánh chặn được hầu hết tên lửa phóng từ Gaza
Uy lực lá chắn Vòm sắt giúp Israel vô hiệu hóa nghìn tên lửa từ Gaza - 1
Israel tuyên bố đánh chặn được hầu hết tên lửa từ Gaza nhằm vào nước này trong 3 ngày qua (Ảnh: Reuters).

Kể từ khi xung đột giữa Israel và phong trào Hamas tại Dải Gaza leo thang hồi đầu tuần này, lực lượng dân quân của Palestine đã phóng hơn 1.000 tên lửa nhằm vào các mục tiêu ở Israel. Israel đã vô hiệu hóa gần như số tên lửa này và lập tức đáp trả bằng các cuộc không kích. Giao tranh 3 ngày qua khiến ít nhất 35 người thiệt mạng, trong đó có 30 người Palestine và 5 người Israel.

Hệ thống phòng thủ tên lửa "Vòm sắt" (Iron Dome) được cho là đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của Israel đánh chặn "mưa" tên lửa từ Gaza. Vòm sắt là hệ thống phòng không do các doanh nghiệp quốc phòng của Israel sản xuất với sự hỗ trợ cả về tài chính và công nghệ của Mỹ.

Hệ thống này được đưa vào biên chế của quân đội Israel năm 2011. Nó được thiết kế để đánh chặn các tên lửa và pháo tầm ngắn. Hai hệ thống riêng biệt, được gọi là David's Sling và Arrow, được thiết kế để đối phó với các mối đe dọa tầm trung và tầm xa, bao gồm máy bay, máy bay không người lái, pháo và tên lửa.

Vòm sắt hoạt động dựa vào một hệ thống radar và phân tích để xác định mục tiêu tên lửa có gây ra mối đe dọa hay không. Hệ thống này chỉ triển khai tên lửa đánh chặn nếu xác định tên lửa đang bay tới có nguy cơ nhằm vào một khu vực có dân cư hay cơ sở hạ tầng quan trọng.

Các tên lửa đánh chặn được phóng theo phương thẳng đứng từ một giàn phóng di động hoặc bệ phóng cố định. Chúng được thiết kế để đánh chặn tên lửa đối phương ở trên không, tạo ra các vụ nổ và tiếng còi cảnh báo.

Uy lực lá chắn Vòm sắt giúp Israel vô hiệu hóa nghìn tên lửa từ Gaza - 2
Đồ họa mô phỏng cơ chế hoạt động của "Vòm sắt" (Đồ họa: Business Insider).

Giới chức quốc phòng Israel trong tuần này cho biết, phần cứng của Vòm sắt không thay đổi kể từ lần đầu tiên được triển khai, nhưng những thay đổi phần mềm đã giúp hệ thống hoạt động tốt hơn trong những năm qua.

Moshe Patel, giám đốc một doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng Israel, cho hay Vòm sắt có khả năng chặn các tên lửa hành trình, thiết bị không người lái và một số mối đe dọa khác, bao gồm "các mối đe dọa thậm chí không tồn tại trên thực địa vào thời điểm này, nhưng có thể sẽ xuất hiện trong những tháng tới".

Giới chức và các doanh nghiệp quốc phòng Israel nói, hệ thống này đến nay đã ngăn chặn được hàng nghìn tên lửa và pháo với tỷ lệ thành công hơn 90%. Hôm 11/5, quân đội Israel một lần nữa khẳng định, Vòm sắt đã phá hủy 90% tên lửa lọt vào không phận nước này. Trong 3 ngày qua, lực lượng dân quân Hamas ở Gaza ước tính đã phóng hơn 1.000 tên lửa vào nhiều mục tiêu khác nhau ở Israel.

Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích quốc phòng tỏ ra hoài nghi về những con số mà Israel đưa ra. "Không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào đáng tin cậy hoàn toàn, đặc biệt là khi phải chống lại các mối đe dọa đang hình thành", Michael Armstrong, phó giáo sư tại Đại học Brock, người đã nghiên cứu về tính hiệu quả của hệ thống, nhận định.

Uy lực lá chắn Vòm sắt giúp Israel vô hiệu hóa nghìn tên lửa từ Gaza - 3

Mặc dù đánh chặn được phần lớn tên lửa, nhưng Israel cũng thiệt hại không nhỏ do các vụ pháo kích và tấn công bằng tên lửa từ Gaza (Ảnh: Reuters).

Chi phí vận hành Vòm sắt được cho là tương đối thấp bởi nó chỉ khai hỏa khi phát hiện mối đe dọa đến con người và cơ sở hạ tầng, không lãng phí quá nhiều tên lửa đánh chặn.

Mặc dù vậy, một số người cho rằng, chính phủ Israel phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống này và không đầu tư thích đáng cho các hệ thống phòng thủ khác như hầm trú ẩn.

Michael Herzog, một tướng quân đội về hưu của Israel, cũng chỉ ra một nhược điểm của Vòm sắt là hệ thống này ít hiệu quả hơn ở tầm bắn 4km trở xuống, vì vậy các tên lửa tầm cực ngắn cũng có thể là mối đe dọa.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm