Lý do vũ khí hạng nặng phương Tây chưa giúp Ukraine phản công đột phá
(Dân trí) - Giới quan sát chỉ ra nguyên nhân dù Ukraine sử dụng vũ khí hạng nặng của phương Tây nhưng chưa tạo được bước đột phá trên chiến trường trong gần 4 tháng qua khi phản công Nga.
Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ các quan chức quốc phòng và nhà sản xuất quốc phòng phương Tây chỉ ra nguyên nhân Ukraine chưa tạo ra đột phá với những vũ khí được Mỹ và đồng minh viện trợ, bất chấp những kỳ vọng trước đó rằng chúng có thể thay đổi cuộc chơi.
Theo đó, thời gian huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng vũ khí quá ngắn và việc phía Kiev vận hành không đúng cách thiết bị quân sự được xem là nguyên nhân dẫn tới tình trạng hỏng hóc ở nhiều khí tài.
Báo Mỹ lấy ví dụ về Panzerhaubitze 2000, loại pháo tự hành 155mm do Đức sản xuất. Lính pháo binh Ukraine chỉ được huấn luyện sử dụng vũ khí này trong 5 tuần, quá ngắn so với tiêu chuẩn của binh sĩ Đức (4 tháng).
Một ví dụ khác là Ukraine được cung cấp phương tiện chiến đấu bọc thép Bradley tiên tiến của Mỹ, thiết giáp chở quân và xe tăng Leopard của Đức. Tuy nhiên, quá trình huấn luyện quân nhân Ukraine sử dụng các vũ khí này khá ngắn, vào khoảng 8 tuần.
Các chuyên gia cho rằng, khoảng thời gian này là chưa đủ để Ukraine có thể "lột xác" thành những đơn vị cơ giới chiến đấu quy mô lớn theo chuẩn phương Tây. Lực lượng Mỹ phải cần tới vài tháng, thậm chí vài năm huấn luyện để làm chủ được khí tài.
Việc thu gọn quá trình huấn luyện chỉ trong vài tuần là không thể đủ khi vũ khí phương Tây viện trợ thường sẽ đi kèm với hệ thống chiến thuật, chiến lược để phối kết hợp vũ khí trong hoạt động tác chiến.
Ngoài ra, việc thiếu hoạt động bảo trì đúng cách và đúng thời điểm khiến cho nhiều vũ khí gặp trục trặc.
"Nếu họ quan tâm đến phần điện tử thì vũ khí sẽ hoạt động", Armin Papperger, Giám đốc điều hành của Rheinmetall, nhà sản xuất Panzerhaubitze 2000 cho biết.
Trước đó, xuất hiện những thông tin về việc pháo do công ty ông sản xuất bị bốc cháy hoặc phải nạp đạn thủ công sau khi hệ thống tự động bị hỏng ở chiến trường Ukraine.
Ngoài ra, việc sử dụng vũ khí quá giới hạn cho phép cũng được xem là nguyên nhân khiến chúng không thể hoạt động hiệu quả. Ví dụ, một binh sĩ Ukraine vận hành AHS Krab, loại pháo tự hành bánh xích 155mm do Ba Lan sản xuất, nói rằng vũ khí trên đã khai hỏa nhiều đến mức nòng của nó bị hỏng nặng.
Một chỉ huy pháo binh Ukraine cho biết các loại pháo có cấu tạo phức tạp của phương Tây khá thất thường khi tác chiến, với nhiều khẩu pháo bị hỏng phải mang đi sửa chữa.
Đây là điều đã được dự báo từ nhiều tháng qua. Trước đó, các chuyên gia Anh và Mỹ cho rằng, việc phương Tây cấp nhiều loại vũ khí khác nhau đang tạo ra thách thức lớn cho Ukraine vì mỗi loại vũ khí đòi hỏi một cách thức huấn luyện vận hành riêng, cách bảo trì và sử dụng hoàn toàn khác nhau".
Ví dụ, mỗi khẩu đội pháo phương Tây viện trợ cho Ukraine có tầm bắn, cơ cấu nạp đạn, phụ tùng thay thế và yêu cầu bảo dưỡng và hàng loạt khía cạnh khác nhau nữa. Việc sửa chữa các vũ khí bị hỏng trên tiền tuyến cũng sẽ gây ra cơn "đau đầu" khác cho Ukraine.