1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Lý do nào khiến phương Tây e ngại trong việc cung cấp xe tăng cho Ukraine?

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Bất chấp việc nhiều vũ khí hạng nặng liên tục được phương Tây gửi đến cho Ukraine trong thời gian qua, các xe tăng hiện đại như M-1 Abrams hay Leopard lại không nằm trong danh sách viện trợ.

Lý do nào khiến phương Tây e ngại trong việc cung cấp xe tăng cho Ukraine? - 1

Các xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2C Abrams thế hệ mới của lục quân Mỹ tại căn cứ Fort Hood, bang Texas vào tháng 7/2020 (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Trong thời gian qua, khi Kiev nỗ lực đẩy nhanh tốc độ phản công nhằm giành lại các vùng lãnh thổ đang bị Nga kiểm soát, các đồng minh phương Tây đã gửi cho quân đội Ukraine nhiều loại trang thiết bị và vũ khí hạng nặng.

Pháo phản lực HIMARS, lựu pháo M777 cỡ nòng 155mm, tên lửa chống hạm Harpoon, xe bọc thép, pháo tự hành, máy bay không người lái và nhiều vũ khí uy lực khác đã đóng góp rất nhiều trong những thành công gần đây trên chiến trường của quân đội Ukraine.

Tuy nhiên, trong các loại vũ khí mà Ukraine yêu cầu, các đồng minh phương Tây như Mỹ và Đức vẫn lưỡng lự trong việc chuyển giao các xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại như M-1 Abrams hay Leopard cho Kiev.

Lý giải cho sự e ngại này, các chuyên gia phân tích thừa nhận việc chuyển giao xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.

Theo Trung tướng Ben Hodges, cựu Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại châu Âu, việc viện trợ xe tăng cho Ukraine sẽ kéo theo hàng loạt các yêu cầu phức tạp về mặt hậu cần.

Lý do nào khiến phương Tây e ngại trong việc cung cấp xe tăng cho Ukraine? - 2

Xe tăng chiến đấu chủ lực được vận chuyển từ Bỉ đến Đức bằng đường sắt (Ảnh: AFP).

"Xe tăng không giống như những chiếc ô tô mà bạn có thể dễ dàng thuê ở bất cứ đâu, có rất nhiều thứ đi kèm với nó nếu được chuyển giao. Bạn sẽ không muốn gửi cho đối tác một loại vũ khí mà có thể hư hỏng một cách dễ dàng hoặc hết xăng bất chợt", ông Hodges nhận định.

Việc các cơ sở hậu cần sửa chữa của Ukraine vốn chỉ được xây dựng nhằm phục vụ các xe tăng do Liên Xô sản xuất sẽ khiến việc chuyển giao mất rất nhiều thời gian. Nếu vội vã, các xe tăng do phương Tây sản xuất sẽ không được sửa chữa và bảo dưỡng trong điều kiện tốt, qua đó tăng khả năng hỏng hóc bất ngờ và tệ hơn là sẽ lọt vào tay quân đội Nga.

Giới chức quốc phòng của Mỹ, Đức cùng nhiều nước đồng minh phương Tây hiện không muốn các công nghệ hiện đại được trang bị trên các xe tăng chiến đấu chủ lực của các họ bị quân đội Nga thu giữ và nghiên cứu nhằm tìm cách hóa giải.

Vì vậy, nhiều yêu cầu về việc cung cấp xe tăng M-1 Abrams hay Leopard 2 từ phía Ukraine đã bị Washington D.C và Berlin từ chối.

Lý do nào khiến phương Tây e ngại trong việc cung cấp xe tăng cho Ukraine? - 3
Binh sĩ Ukraine sửa chữa một xe tăng Nga bị thu giữ trong một chiến dịch phản công ở Kharkov hôm 20/9 (Ảnh: Reuters).

Để bù đắp cho lực lượng tăng thiết giáp bị tổn thất nghiêm trọng trong xung đột với Nga, quân đội Ukraine hiện đang khẩn trương thu giữ và sửa chữa các xe tăng mà Nga bỏ lại sau khi rút quân khỏi Kharkov.

Bloomberg dẫn một nguồn tin thân cận với giới chức quốc phòng Ukraine cho biết, số xe tăng Nga mà Ukraine thu giữ được lên tới 200 chiếc, tuy nhiên không rõ bao nhiêu chiếc trong số này vẫn còn hoạt động hoặc có khả năng sửa chữa. Ngoài ra, một số xe tăng Nga cũng đã bị phá hủy hoàn toàn.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine